Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để tàu cá khai thác hải sản trái phép

Ngày 7/6, Bộ NN và PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đồng thời, có báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Các tỉnh, thành phố hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đối với tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không trang bị, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa hoặc tháo thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; không thực hiện quy định kẹp chì, giả mạo đối với thiết bị được lắp đặt.

Địa phương xử lý nghiêm đối với nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành quy trình nội bộ về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua thiết bị giám sát hành trình VMS.

Đồng thời, tổ chức trực 24/7 theo dõi giám sát hành trình, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý đối với các tàu cá khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị như sở, ngành và các địa phương với các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển, xây dựng hoặc sửa đổi quy chế để đảm bảo thống nhất, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong phối hợp xử lý tàu cá vi phạm, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các tỉnh, thành phố cũng rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, các quy định về chống khai thác IUU cho chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân tại địa phương, đặc biệt là chủ tàu có tàu cá vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các tháng đầu năm 2021, tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài còn diễn biến phức tạp làm ảnh hướng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ nâng cảnh báo “Thẻ đỏ”./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-ly-nghiem-to-chuc-ca-nhan-de-tau-ca-khai-thac-hai-san-trai-phep/198521.html