Xử lý nghiêm vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho rằng, về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12 cần bổ sung, quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền, để sớm có biện pháp khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu cho rằng, quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND cùng cấp về tình hình các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm dự báo khả năng cân đối quỹ hưu trí tự túc trong báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại.
“Do đó, cần giảm thời gian quy định tại khoản này theo hướng cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng sẽ báo cáo với Hội đồng quản lý; 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ có liên quan, 6 tháng báo cáo các UBND cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ, để các bộ, ngành theo chức năng sớm có biện pháp điều chỉnh, khắc phục các vấn đề phát sinh tồn tại”, đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, về vấn đề xử lý vi phạm hành chính chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tính khả thi khi áp dụng các quy định ở Điều 36, 37, 38, 39... cần phải quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn.
Thực tế, khắc phục tình trạng này như tại khoản 4 Điều 40 của dự thảo luật quy định "việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam". Tuy nhiên, tại Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật xem xét vấn đề này, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, khoản 1 Điều 130 dự thảo luật có quy định "việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này".
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 130 lại viện dẫn những quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính trong hoạt động thanh tra về bảo hiểm xã hội lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trong khi đó, viện dẫn tại Điều 94 của Luật Thanh tra hiện hành lại quy định "cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại". Như vậy, quy định này được áp dụng pháp luật nào thì cần phải được làm rõ.
Đồng quan điểm, Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, để đảm bảo tính thống nhất quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tại Điều 37 và Điều 38, đề nghị bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, để đồng bộ trong các việc xử lý khi chưa sửa đổi được Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.
Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào quy định của luật này, cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thoái thu thời gian trùng đóng bảo hiểm xã hội do mượn hồ sơ, khi đó việc giải quyết sẽ đơn giản hơn là giao cho tòa phải tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu do ký hợp đồng lao động không đúng người.