Xử lý nghiêm vi phạm trong thực thi quyền lực
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về 'Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ', Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Nổi bật là việc rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xử lý nghiêm để răn đe
Vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Uyển, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Vương Đăng Quân - nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông và Mai Quang Bài - cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông. Cả ba bị khởi tố về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì liên quan đến Dự án chung cư CT6, do Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư. Dự án này được quy hoạch thiết kế 2 tòa nhà, nhưng chủ đầu tư đã tự ý xây thêm 4 biệt thự và tòa nhà CT6C cao 30 tầng, sai quy hoạch được duyệt.
Việc kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ được các cấp, ngành thành phố quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong ảnh: Kiểm tra tại bộ phận “một cửa” xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt
Đây là một trong những ví dụ cho thấy quyết tâm của thành phố Hà Nội trong rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc dư luận. Nhìn nhận về vụ việc trên, ông Đỗ Đình An (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) nói: “Đây là lời cảnh tỉnh đối với tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Bởi việc lợi dụng quyền hạn để sai phạm thì ắt phải chịu hậu quả”.
Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt cán bộ lãnh đạo cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền của thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh. Nổi bật, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú vì những sai phạm nghiêm trọng trong thời gian là Chủ tịch UBND huyện (từ năm 2015 đến tháng 9-2016).
Tại huyện Sóc Sơn, 39 cán bộ, lãnh đạo các cấp cũng bị kỷ luật vì những vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng. Tại huyện Thạch Thất, đồng chí Đặng Quang Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do sai phạm liên quan đến công tác cán bộ. Tại Sở Giao thông - Vận tải, 3 nguyên cán bộ thanh tra giao thông cũng bị đề nghị truy tố hình sự do hành vi bảo kê trong hoạt động kinh doanh vận tải… Một số vụ việc khác cũng đang trong quy trình xử lý của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và những cá nhân sai phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.
Việc rà soát, kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội đã lập 2 đoàn kiểm tra tại các sở, ngành về thực thi công vụ. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Sở đã buộc thôi việc, sa thải, khiển trách, cảnh cáo, giáng chức 89 cán bộ, công chức liên quan đến quản lý trật tự xây dựng, vi phạm nội quy, quy chế cơ quan. Hay như tại huyện Gia Lâm, 90 cán bộ, đảng viên cũng bị kỷ luật, trong đó có các vi phạm trong thực thi quyền lực và 9 người trong số đó đã bị khai trừ khỏi Đảng...
Thực thi đồng bộ các giải pháp
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cùng với các biện pháp mang tính răn đe mạnh nêu trên, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, các cấp, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát thực thi quyền lực, trong đó chú ý vấn đề phòng ngừa vi phạm.
Tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy phường đã chỉ đạo chấn chỉnh lề lối làm việc đối với cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan phường... Tại huyện Gia Lâm, 100% cấp ủy Đảng đã rà soát, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc, xác định rõ hơn quyền hạn, mối quan hệ, thẩm quyền của mỗi cá nhân.
Tại huyện Thanh Trì, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy định kỳ giao ban với các bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố nhằm kịp thời nắm bắt vướng mắc, bức xúc từ cơ sở. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết: “Khi có phản ánh liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, công chức, huyện chỉ đạo rà soát, kiểm tra ngay, nếu có vi phạm là xử lý nghiêm”… Còn ở quận Long Biên, đối với bất kỳ thông tin nào liên quan đến trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, quận đều chỉ đạo xác minh và xử lý triệt để.
Ở cấp thành phố, song song với đổi mới toàn diện, tạo bước đột phá trong công tác đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong toàn hệ thống chính trị.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo kiểm tra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu thực thi các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và thành phố, từ đó nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục độ trễ trong thực thi... Ngoài ra, mật độ giám sát của HĐND thành phố cũng dày hơn, bám sát cơ sở; các phiên giải trình được tổ chức công phu... Nhiều cơ quan, đơn vị thành phố bố trí đường dây nóng, công khai hộp thư điện tử, số điện thoại lãnh đạo để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp…
Có thể nói, cùng với những giải pháp đồng bộ đã và đang thực hiện, cộng thêm việc cụ thể hóa Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi quyền lực, phục vụ công dân và tổ chức ngày càng tốt hơn.