Xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn
Việc sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông từ lâu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Việc sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông từ lâu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Chính vì vậy, nhằm từng bước kéo giảm tình trạng TNGT có nguyên nhân do rượu, bia, vừa qua Bộ Công an đã có đợt cao điểm chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, ma túy (từ ngày 15-3 đến hết năm 2021). Kết quả bước đầu sau hơn ba tuần thực hiện là lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện 13.477 người vi phạm nồng độ cồn, 165 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, tước 7.648 giấy phép lái xe, tạm giữ 13.642 phương tiện giao thông với tổng số tiền xử phạt gần 45 tỷ đồng. Nhiều ý kiến nhân dân đồng tình ủng hộ lực lượng CSGT ra quân trấn áp lái xe vi phạm nồng độ cồn và ma túy, đồng thời mong muốn chiến dịch này được thực hiện mỗi ngày, lâu dài để ngăn chặn triệt để các vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia, ma túy gây nguy hại cho xã hội.
Nhưng dư luận băn khoăn liệu lần này có "đánh trống bỏ dùi" như các lần trước, dẫn tới "nhờn" luật.
Trước đây, khi Nghị định 100/2019/NÐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ có hiệu lực, lực lượng CSGT các địa phương cũng tiến hành lập nhiều chốt kiểm soát nồng độ cồn gần các nhà hàng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xử lý không kéo dài, không ít nơi rơi vào tình trạng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Ðến khi hết chiến dịch, tình trạng các "ma men" loạng choạng lái xe lại tái diễn. Nguyên nhân bắt nguồn từ "văn hóa nhậu" của người dân khi đã uống phải uống hết mình, phải "tới bến", không say không về! Rõ ràng, dù đã được tuyên truyền và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm, nhưng thói quen không uống rượu, bia trước khi lái xe của nhiều người mới chỉ dừng lại ở mức có sự chuyển biến, chứ chưa thật sự thay đổi rõ nét, còn mang tính chất đối phó. Bên cạnh đó, việc xử lý của lực lượng CSGT cũng rất vất vả vì thường xuyên gặp phải tình trạng chống đối, nổi nóng, gây gổ, không thừa nhận vi phạm của mình. Trên thực tế có rất nhiều lý do để người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia và cũng không thiếu cách để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này. Nhưng quan trọng nhất, hiệu quả phụ thuộc vào chuyển biến nhận thức và hành động của từng người, thái độ trách nhiệm của người chung quanh, sự nghiêm minh trong xử lý vi phạm. Bởi thế, việc phạt nặng, chế tài nghiêm để răn đe các "ma men" cố tình lái xe là điều không hề đơn giản, không thể chỉ trong một vài lần "ra quân" là đạt yêu cầu.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần được nâng lên một bước, phải tiếp tục phát huy, mở rộng và bổ sung thực hiện các biện pháp giáo dục cũng như biện pháp cưỡng chế. Tập trung xác định đúng và trúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng thêm hiệu quả. Ðặc biệt, thông điệp tuyên truyền "Ðã uống rượu, bia thì không lái xe" cần trở thành ý thức thường trực đối với mỗi người. Với những ai nếu đã lỡ quá chén thì kiên quyết không lái xe và tạo cho mình thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Tin tưởng rằng, với các biện pháp xử lý mạnh tay, liên tục, lâu dài, của lực lượng CSGT, kết hợp công tác tuyên truyền mạnh mẽ trong cộng đồng, cùng sự chung tay của mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức, đã tham gia giao thông là không sử dụng rượu, bia để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và cộng đồng, sẽ giúp từng bước kéo giảm số vụ TNGT liên quan rượu, bia trong thời gian tới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/xu-ly-nghiem-vi-pham-ve-nong-do-con-641648/