Xử lý nghiêm việc tự ý tăng giá điện
Theo ghi nhận của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cũng như dư luận xã hội, gần đây, có khá nhiều trường hợp chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố tự ý nâng giá điện đối với người sử dụng bất chấp quy định về khung giá mà Nhà nước đã ban hành. Nhiều chủ nhà trọ thu tiền điện đối với người thuê nhà từ 3.500 đến 4.000 đồng/kW giờ, thậm chí thu đến 5.000 đồng/kW giờ. Do khó khăn về chỗ ở, hoặc do chỗ thuê trọ thuận tiện đi lại, làm việc, nên nhiều người thuê trọ dù bức xúc vẫn phải cắn răng móc tiền trả thêm cho mức giá điện phi lý.
Theo ghi nhận của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cũng như dư luận xã hội, gần đây, có khá nhiều trường hợp chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố tự ý nâng giá điện đối với người sử dụng bất chấp quy định về khung giá mà Nhà nước đã ban hành. Nhiều chủ nhà trọ thu tiền điện đối với người thuê nhà từ 3.500 đến 4.000 đồng/kW giờ, thậm chí thu đến 5.000 đồng/kW giờ. Do khó khăn về chỗ ở, hoặc do chỗ thuê trọ thuận tiện đi lại, làm việc, nên nhiều người thuê trọ dù bức xúc vẫn phải cắn răng móc tiền trả thêm cho mức giá điện phi lý.
Theo Thông tư 25/2018/TT-BCT ngày 12-9-2018 sửa đổi Thông tư 16/2014 ngày 29-5-2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định mức giá bán điện, người thuê trọ được hưởng giá điện đúng giá như một hộ sinh hoạt độc lập. Trường hợp chủ nhà cho thuê chưa xác định số người thuê trọ thì áp dụng mức biểu giá điện bậc 3 là 1.858 đồng/kW giờ (từ 101 đến 200 kW giờ); nếu chủ nhà xác định được số người thuê sẽ được tính hai định mức: 100 kW giờ đầu hưởng giá bậc 1 là 1.678 đồng/kW giờ và 100 kW giờ sau được hưởng giá bậc 2 là 1.734 đồng/kW giờ. Trường hợp người thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì sẽ được đứng tên ký hợp đồng mua bán điện và bên bán điện sẽ phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
Thông tư 25/2018/TT-BCT cũng quy định, trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú, hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Quy định đã quá rõ ràng, nhất là giá bán điện và đối tượng thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên. Đây cũng là chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, giảm gánh nặng chi phí cho người thuê trọ, vì đa phần đó là sinh viên, người lao động… cuộc sống còn nhiều khó khăn. Song, nhiều chủ nhà trọ vẫn phớt lờ quy định này, cố tình thu tiền điện giá cao, mặc nhiên cho rằng họ có thể “đại diện” tất cả khách hàng trong hộ thanh toán tiền điện với điện lực và có thể thu của người thuê trọ với bất cứ giá nào.
Theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, bị phạt tiền từ bảy đến mười triệu đồng. Vấn đề là các cơ quan chức năng đã chế tài như thế nào; có kiểm tra, giám sát các chủ nhà trọ, khách hàng của điện lực đến nơi đến chốn hay chưa?
Thực tế cho thấy, không ít chủ nhà trọ, nhất là tại các khu vực có đông công nhân, người lao động, đã giảm tiền thuê nhà, chi phí điện, nước nhằm chia sẻ với sinh viên, công nhân, người lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận chủ nhà trọ lại tăng giá điện, kiếm đủ cách “móc túi” người thuê trọ khiến dư luận bức xúc, không thể hiện tinh thần cộng đồng tương trợ, chia sẻ khó khăn…
Trước thực trạng nêu trên, rất cần sự vào cuộc giám sát, xử lý kịp thời và thường xuyên của các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò của ngành điện lực. Về phía chính quyền địa phương, nhất là các nơi tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đã thành lập các Câu lạc bộ Chủ nhà trọ hoạt động hiệu quả, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về giá bán điện để chủ nhà trọ và người ở trọ hiểu, thực hiện đúng quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng, người thuê trọ.
Để bảo vệ quyền lợi thiết thực, chính đáng của mình, người thuê trọ cần mạnh dạn phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm của chủ nhà trọ đến UBND phường nơi thuê trọ, hoặc qua đường dây nóng của điện lực địa phương để cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-biet-dan-ban/xu-ly-nghiem-viec-tu-y-tang-gia-dien-629369/