Xử lý nghiêm vụ công ty bất động sản 'làm trò sốt đất'
Một công ty bất động sản có trụ sở ở Bình Dương đã đến Bình Phước 'làm trò sốt đất' gây xôn xao dư luận. Lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh cho biết sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
"Chiêu trò" dàn dựng của môi giới
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện cảnh nhộn nhịp về những giao dịch đất nền, chốt cọc chỉ trong vài phút tại một khu đất thuộc ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, H.Lộc Ninh (Bình Phước).
Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh (H.Lộc Ninh) cho biết thông tin trên xuất hiện từ sáng ngày 20/2/2022. Khi nắm được thông tin này, địa phương đã cử cán bộ xuống hiện trường để ghi nhận thì có khoảng 30 xe ô tô cùng gần 100 người tập trung để mua bán bất động sản.
"Trước sự việc trên, UBND xã đã cử công an cùng các lực lượng xuống làm việc. Buổi sáng, nhóm người này nói không tổ chức. Tuy nhiên khi các lực lượng rút về thì nhóm người này lại làm. Trước sự việc đó, UBND xã đã mời một số người liên quan về làm việc và lập biên bản về hành vi tập trung đông người, không báo với chính quyền địa phương để giám sát. Và giao dịch bất động sản nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan" - ông Vinh cho biết.
Qua làm việc UBND xã xác định, khu đất trống vốn là đất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện đã phân lô tách thửa, mỗi thửa là 1.000 m2, trong đó có 100 m2 đất ở. Khu đất này không phải là dự án nhà ở thương mại.
Ông Vinh cho biết thêm, nhu cầu mua bán của người dân là chính đáng, tuy nhiên, UBND xã cũng khuyến cáo người dân mua bán hay chốt cọc bất động sản cần cẩn trọng, tìm hiểu và xác định thật kỹ, tránh lãnh hậu quả pháp lý về sau.
Ngay khi thông tin được chia sẻ, một số nhà đầu tư bất động sản chỉ rõ đây là chiêu trò dàn dựng của môi giới. Mục đích của việc này đưa thông tin không đúng sự thật về lô đất nhằm thổi giá, tìm khách hàng nhẹ dạ cả tin. “Người bán, người mua đều là diễn viên”, một nhà đầu tư bất động sản nói.
Trong cuộc trò chuyện riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, một môi giới bất động sản tiết lộ, chiêu trò phổ biến và quen thuộc nhất của giới đầu cơ bất động sản trong các cơn sốt là tạo ra không khí sôi động cho khu vực cần đẩy giá. Những người này thường liên kết để lập hội nhóm rồi đổ dồn về các khu đất, liên tục ký hợp đồng chuyển nhượng, đặt cọc, phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội (livestream) để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Trong hàng trăm người có mặt tại “chợ bất động sản” chỉ khoảng 10% là khách đến xem đất, còn lại đều là “cò”. Họ ăn mặc đẹp, một số thuê ô tô đến để đóng vai khách xem đất. Giá cả đều do “cò” quyết định tuy nhiên giao dịch thành công không nhiều.
“Nhiều khi chúng tôi phải diễn kịch, vờ có điện thoại đưa lên nghe, 3-5 phút lại nghe một lần rồi hét lớn các thuật ngữ chốt giá, tăng giá, lấy sổ đỏ, đặt cọc trăm triệu…” – môi giới này cho biết.
Anh cũng tiết lộ sau khi “dụ” được các nhà đầu tư xuống tiền và nắm chắc lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường này và những người mắc kẹt thường là những nhà đầu tư mới (hay còn gọi là F0).
Địa phương cần chủ động vào cuộc
Bà Đỗ Thu Giang, chuyên gia bất động sản tiết lộ 6 chiêu trò quen thuộc của dân “cò” đất, đầu nậu bất động sản. Trong đó, 3 thủ thật thường xuyên xuất hiện là tạo cơn sốt đất giả, nói khống, nói quá về thông tin dự án, ém sản phẩm chờ tăng giá.
Trong đó, chiêu trò đầu tiên và thường xuyên xuất hiện trong 3 năm gần đây chính là cò đất tạo ra các cơn sốt đất giả ở khắp mọi nơi. Ví dụ, như cơn sốt đất ở Đồng Trúc (Hà Nội) vào tháng 4 vừa qua, hoặc cơn sốt tại Bình Đa (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 2/2020.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận pháp luật hiện tại chưa có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh tình trạng cá nhân tự ý gom đất, tách thửa dù hình thức đầu tư này góp phần tạo ra những cơn sốt đất, gây nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản.
“Hiện tượng tự tách thửa đã bộc lộ nhiều bất cập, hệ lụy và cần phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ bởi hệ thống pháp luật”, ông Đính nói. Ông Đính khuyến nghị nhà đầu tư thứ cấp cần cân nhắc và thận trọng khi xuống tiền bởi hình thức đầu tư này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để chấn chỉnh tình trạng này, theo một đại biểu quốc hội thì vai trò của chính quyền địa phương rất lớn. "Nếu khu đất được rao bán không nằm trong quy hoạch đất ở tại địa phương mình quản lý hãy nhanh chóng đưa ra cảnh báo cho người dân không những tại địa phương mình, mà còn cho những người ở nơi khác đến biết. Bên cạnh đó, cần công khai thông tin về cơ sở pháp lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn; cần giám sát chặt những đối tượng hành nghề môi giới bất động sản; khuyến cáo cho người dân về những rủi ro pháp lý với hình thức mua bán trao tay" - vị này cho biết.
Vị này dẫn chứng thêm một số trường hợp cá biệt, gây hậu quả nghiêm trọng như địa ốc Alibaba lừa đảo hơn 2.500 tỷ đồng đã khiến nhiều nhà đầu tư bị phá sản, làm thị trường trở nên méo mó, đè nặng lên hệ thống tín dụng. Nguy hiểm hơn, các chiêu thức “bẩn” của “cò” đất có thể khiến thị trường đóng băng, hoặc tạo ra sự đổ vỡ dây chuyền.
“Tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản, nếu nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thì cần phải xem xét cân nhắc, nghiên cứu các yếu tố trước khi xuống tiền để tránh rơi vào "bẫy" của các đầu nậu, môi giới. Ngoài ra, Chính phủ nên có những biện pháp mạnh tay, thậm chí là Luật hóa, hình sự hóa các chiêu trò của giới cò đất giúp thanh lọc thị trường”, bà Giang nhấn mạnh.