Xử lý người cố tình không thi hành án
Hỏi: Theo bản án, bị cáo N.V.Thái và mẹ của bị cáo phải bồi thường cho chồng tôi một khoản tiền. Từ khi có quyết định thi hành án đến nay đã 2 năm, tôi chưa nhận được đồng nào trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Xin hỏi tôi phải làm gì để lấy được tiền, người cố tình không thi hành án có bị xử lý gì không? (Trần Thị Thùy Hương, TP.Vĩnh Long).
Trả lời:
Luật Thi hành án dân sự (THA) năm 2008 (sửa đổi năm 2014) luôn khuyến khích đương sự tự nguyện THA, nhưng nếu người phải THA có điều kiện mà không THA sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Điều 45 Luật Thi hành án dân sự quy định thời gian tự nguyện THA là 15 ngày kể từ ngày người phải THA nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA. Trường hợp cần ngăn chặn người phải THA có hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc THA thì chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế THA.
Các biện pháp bảo đảm THA bao gồm: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Các biện pháp cưỡng chế THA gồm: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải THA; trừ vào thu nhập của người phải THA; kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải THA; buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải THA thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Do đương sự không tự nguyện THA, bạn có quyền yêu cầu chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm THA hoặc cưỡng chế THA nêu trên. Trường hợp người phải THA vẫn cố tình không chấp hành thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực THA, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi: không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để THA theo yêu cầu của người có thẩm quyền THA mà không có lý do chính đáng; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện THA khi người có thẩm quyền THA yêu cầu; không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ THA trong trường hợp có điều kiện THA; tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ THA hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; không thực hiện quyết định của người có thẩm quyền THA về việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải THA...
Về hình sự, người phải THA có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội không chấp hành án.
"1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".