Xử lý nguồn nước sạch trong nuôi cá tầm công nghệ cao
Nuôi cá tầm công nghệ cao với khâu xử lý nguồn nước khác biệt, giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai, giúp tăng năng suất, giảm nhân công đang là xu hướng mới được người dân nuôi cá tìm tòi, học hỏi.
Tới hệ thống hồ nuôi cá tầm lớn của Công ty TNHH Ngọc Mai Trang do ông Nguyễn Đình Hoàng làm giám đốc, người tham quan không khỏi ngạc nhiên với mô hình nuôi cá tầm công nghệ cao hiếm hoi trên địa bàn tỉnh nằm trên địa bàn xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Nổi bật nhất có lẽ là các bể chứa hình tròn lớn bán kính 6 tới 20 m, sâu tầm 80 cm -1,5 m được chủ nhân xây cạnh nhau, hình đáy chảo rất đặc biệt. Hệ thống hồ này theo ông Hoàng được thiết kế, xây dựng nổi và chất liệu để làm hồ là bạt nhựa chất lượng cao và trung bình nuôi được tầm 6 tấn cá mỗi bể.
Cùng với đó, hệ thống xử lý nước, đo nhiệt độ và xử lý thức ăn thừa, chất thải của cá được kết nuối với máy điều chỉnh thông minh. Mỗi bể còn được lắp đặt hệ thống cảm biến tại camera của các hồ nước sẽ báo động đến chủ hồ nếu như có sự cố mất điện, sục khí, thổi khí bị hư hỏng. Như vậy, bộ phận kỹ thuật sẽ xử lý, sửa chữa ngay để tránh gây thiệt hại. Các hồ nuôi cũng được tạo hệ vi sinh một cách khoa học để xử lý tốt nhất các chất thải mà cá tạo ra, đảm bảo môi trường trong sạch giúp cá phát triển tốt nhất.
Ông Hoàng cho hay, sở dĩ phần đáy bể được thiết kế lõm hình cầu để giúp tối ưu hóa trong việc xử lý chất thải lẫn tạo môi trường để cá bơi theo vòng tuần hoàn. Cá sẽ bơi, hoạt động liên tục nên chất lượng cá được đánh giá săn chắc, thịt ngon hơn khi cá nuôi ở bể vuông.
Nhưng đây không phải là khác biệt lớn trong nuôi cá tầm công nghệ cao so với nuôi theo kiểu truyền thống. Ông Khuất Duy Vinh - Quản lý trang trại nuôi cá tầm của Công ty TNHH Ngọc Mai Trang cho biết, lâu nay việc nuôi cá tầm vào mùa mưa lũ luôn là thử thách lớn đối với người nuôi.
Hầu hết các trang trại lớn, nhỏ đều ít nhiều chật vật, thậm chí bị thiệt hại nặng nề khi nước lũ đục ngầu, đổ về khiến hệ thống nước lọc nước có phần thủ công của các trang trại không thể kịp xử lý. Trước đó, năm 2017, với cách xây dựng hồ vuông nằm gần khu vực cung cấp nước, khi mưa lũ đổ về khiến các hồ cá tầm được xây dựng bằng bê tông của trang trại ở khu vực hạ nguồn bị đổ sập, toàn bộ cá bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Do đó, theo ông Vinh, thay vì lấy nguồn nước lạnh cạnh nguồn, hồ được xây dựng gần đó với bán kính gần thì với cách nuôi cá tầm an toàn, các hồ nuôi, hồ nước dự trữ được làm bằng bạt nhựa chất lượng cao, dẫn nước về qua hệ thống ống nhựa tới bể tròn nằm cách xa hẳn với nguồn nước suối đầu nguồn. Việc này giảm thiểu rất nhiều rủi ro do mưa lớn, lũ đổ về làm nguồn nước nuôi cá bị ô nhiễm nặng.
Khâu quan trọng nữa đối với phương pháp nuôi cá tầm công nghệ cao là việc cung cấp điện liên tục, bởi khi nguồn điện lưới bị cắt đột ngột, hệ thống máy phát điện 3 pha sẽ tự động chạy để đảm bảo nguồn điện cho các hoạt động sản xuất. Khi điện lưới được khôi phục, máy phát sẽ tự động ngưng để đảm bảo an toàn cho hệ thống thiết bị bên trong trang trại.
Hiện nay, theo ông Hoàng, trên diện tích khoảng 2 ha của trang trại, ông đã hoàn thiện và nuôi cá tầm trong 11 bể hình tròn. Bên cạnh đó, công ty đang tiếp tục hoàn thiện 15 bể chứa khác để nâng cao sản lượng cá trong thời gian tiếp theo. Các loại cá bột và cá thương phẩm có trọng lượng khác nhau sẽ được nuôi trong những bể khác nhau. Khi cá được nuôi đến trọng lượng từ 1,8 kg trở lên sẽ được xuất bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm, công ty xuất ra thị trường trên 200 tấn cá, dự kiến năm 2022 sẽ tăng lên khoảng 400 tấn cá tầm.