Xử lý những vụ xâm hại rừng phòng hộ ở Võ Nhai
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên xảy ra một số vụ xâm hại rừng, Cơ quan chức năng đã và đang xử lý nghiêm khắc người vi phạm, kiểm lâm được giao phụ trách địa bàn.
Tuy nhiên, qua những vụ việc này cho thấy những bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng và quy hoạch ba loại rừng hiện nay cần khắc phục.
Xử lý nghiêm khắc
Tháng 4-2019, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai phát hiện 3 ha rừng tại xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn, thuộc thửa đất số 143, tờ bản đồ địa chính số 3 xã Vũ Chấn bị phát phá. Cũng trong dịp này, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai phát hiện tại tờ bản đồ số 196, thôn Khe Rịa có 4 ha rừng bị phát phá; tại tờ bản đồ số 164 cũng địa bàn thôn Khe Rịa có 2,25 ha rừng bị phát phá. Tất cả diện tích nêu trên đều là rừng khoanh nuôi tái sinh, được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Hạt trưởng Kiểm lâm Võ Nhai Vũ Thế Cường cho biết: "Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai và Công an huyện đã khám nghiệm hiện trường, xác định có tính chất phức tạp cho nên đầu tháng 6-2019, chúng tôi đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Võ Nhai) xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục chung đối với cộng đồng".
Tiếp đến, tháng 6-2019, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai lập biên bản đối với ông Triệu Tiến Ngân ở xóm Hạ Lương, xã Nghinh Tường do phát phá gần 2.500m2 rừng khoanh nuôi tái sinh, được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ không được phát đốt để trồng rừng sản xuất hoặc trồng cây lương thực. Ông Ngân bị phạt vi phạm hành chính năm triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại diện tích rừng đã phát phá theo quy định. Ngoài ra, để xảy ra những vụ việc này, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Vũ Chấn Trần Văn Phúc bị Hội đồng Kỷ luật Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đề nghị kỷ luật cảnh cáo; Trạm trưởng Kiểm lâm Cúc Ðường bị Hội đồng Kỷ luật Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đề nghị kỷ luật khiển trách, đồng thời bị Chi bộ Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai kiểm điểm, xem xét kỷ luật.
Những khó khăn, bất cập
Qua những vụ việc nêu trên, có thể thấy rõ những khó khăn, bất cập trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Võ Nhai hiện nay. Huyện Võ Nhai có diện tích rừng lên đến 71 nghìn héc-ta với địa hình hiểm trở, núi non chia cắt, người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số không có ruộng, chủ yếu sống dựa vào rừng, phát phá rừng để trồng ngô, khoai, sắn cho nên áp lực đối với rừng là rất lớn. Mặt khác, rừng giáp ranh với nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn quá mỏng, chỉ với 13 kiểm lâm viên mà phụ trách địa bàn rộng lớn, như kiểm lâm viên Trần Thái Hà phụ trách gần 10.500 héc-ta rừng ở xã Sảng Mộc; kiểm lâm viên Triệu Tiến Giang phụ trách gần 9.500 héc-ta rừng ở xã Nghinh Tường; kiểm lâm viên Nguyễn Văn Thái phụ trách hơn 9.500 héc-ta rừng ở xã Thần Sa... dẫn đến việc kiểm soát địa bàn rất khó khăn, trình độ không đồng đều, vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã hạn chế; nhiều người tuổi cao, khả năng đi rừng không đáp ứng yêu cầu cho nên khó kiểm soát địa bàn. Trong khi đó, mặc dù chính quyền xã đã được giao các chức năng quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương mình, nhưng nhiều nơi gần như phó thác hoàn toàn cho kiểm lâm.
Việc quy hoạch ba loại rừng hiện nay cũng có nhiều bất cập, như năm 2009, các ông Ðặng Văn Hồng, Triệu Tiến Thành ở xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng với mục đích rừng sản xuất. Tuy nhiên, năm 2013, cơ quan chức năng lại quy hoạch rừng đã giao cho ông Hồng và ông Thành là rừng phòng hộ. Cuộc sống gặp khó khăn họ đã phát phá rừng để lấy đất canh tác, dẫn đến sai phạm. Khắc phục bất cập này, năm 2016, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo UBND xã Vũ Chấn và các xã trên địa bàn huyện rà soát lại thực trạng quy hoạch ba loại rừng, đề nghị điều chỉnh quy hoạch, đưa diện tích không có chức năng phòng hộ sang rừng sản xuất nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đang xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng cho phù hợp với thực tế.