Xử lý nợ xấu: Ngân hàng chủ động, nhưng cần sự phối hợp

Thông tin tại buổi tọa đàm 'Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp' vừa được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ngày 2/8, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước.

Pháp lý đã ít vướng

Trong số này, có khoảng 82.600 tỷ đồng được các TCTD tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro, chiếm 49,4% tổng nợ xấu được xử lý và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã tích cực làm việc, thỏa thuận với khách hàng để thu hồi khoảng 60.600 tỷ đồng nợ xấu, bán phát mại thành công khoảng 4.110 tỷ đồng và bán cho VAMC khoảng 2.560 tỷ đồng.

Ông Kiên cho biết, hiện nay các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Luật Các TCTD năm 2024 đã được kế thừa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Luật cũng đã bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm và quy định các phương thức xử lý linh hoạt, bao gồm bán đấu giá, tự bán tài sản, hoặc nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ.

Đặc biệt, việc bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 200 cho phép TCTD chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng.

Nhận định về những ảnh hưởng của việc chuyển tiếp pháp lý đối với lĩnh vực xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, hầu hết đại diện các TCTD tham dự tọa đàm đều cho rằng, các quy định trong Luật Các TCTD 2024 đã kế thừa và tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu mà trước đây chưa được luật hóa cụ thể trong luật chuyên ngành.

Đại diện các NHTM nhận định, pháp lý phục vụ cho hoạt động xử lý nợ xấu đã khá rõ ràng, cụ thể và ít vướng mắc. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi trên thực tiễn, do phải phối hợp với nhiều cơ quan, bộ, ngành trong quá trình tố tụng tại tòa, thi hành án tại địa phương nên việc xử lý nợ xấu, nhất là tài sản bảo đảm nợ xấu (chủ yếu là bất động sản) vẫn gặp khó khăn, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí đáng kể cho các bên.

Các cơ quan liên quan vẫn tiếp tục tìm hướng kiến nghị xử lý tài sản đảm bảo nợ vay

Các cơ quan liên quan vẫn tiếp tục tìm hướng kiến nghị xử lý tài sản đảm bảo nợ vay

Cần gia tăng phối hợp

Theo ghi nhận của VNBA, hiện nay việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu gặp một số vướng mắc chính liên quan đến: quyền thu giữ, kê biên tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán đối với nguồn tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm; khó khăn trong việc áp dụng quy trình thủ tục rút gọn khi tố tụng tại tòa; khó khăn trong việc xử lý, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; xử lý tài sản bảo đảm là cổ phần, cổ phiếu; xử lý các tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai…

Những khó khăn, vướng mắc kể trên đều liên quan đến hàng loạt quy định pháp luật chuyên ngành. Trong đó nhiều vướng mắc chỉ có thể giải quyết được khi sửa đổi bổ sung các luật chuyên ngành lĩnh vực tài chính, tài nguyên môi trường, thi hành án, đấu thầu, đấu giá.

Thừa nhận một số bất cập trong pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó cục trưởng, Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã quy định bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán. Tuy nhiên, các quy định này chưa tạo được một cơ chế pháp lý đủ mạnh cho phép bên nhận bảo đảm tiếp cận, thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay cũng chưa có cơ chế pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là vốn góp, cổ phiếu, chưa cho phép người đang nắm giữ tài sản bảo đảm để xử lý tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp nhận góp vốn, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với tư cách là người có quyền pháp lý liên quan.

Trong khi đại diện các ngân hàng OCB, VietABank cho rằng, tỷ lệ áp dụng các quy trình thủ tục rút gọn khi xử lý nợ xấu tại tòa án hiện nay rất thấp, do hầu hết các vụ tranh chấp đã khởi kiện đến tòa đều là các vụ có tình tiết phức tạp, đồng thời sự phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan không thiện chí. Vì thế chỉ cần một bên không hợp tác, khởi kiện một khía cạnh liên quan đến vụ án hoặc mở thủ tục phá sản thì đều không thể áp dụng được thủ tục rút gọn.

Ngoài ra, các quy định yêu cầu TCTD (nguyên đơn) phải xác minh nơi cư trú của bị đơn là bất khả thi vì không có cơ quan công an địa phương nào sẵn sàng hợp tác trong các trường hợp nhân viên ngân hàng đi xác minh chỗ ở người khác mà không có giấy tờ từ tòa án.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, sau tọa đàm này hiệp hội sẽ kiến nghị với NHNN và các bộ, ngành, Chính phủ xem xét xử lý từng nhóm vướng mắc liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu. Theo đó, sẽ tập trung vào các nhóm vướng mắc được nhiều TCTD kiến nghị tháo gỡ như đã ghi nhận ở trên.

Theo Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp và kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu. Trong đó, sẽ tập trung vào các quy định cụ thể, chi tiết về quyền tiếp cận, thu giữ tài sản; điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa… Tuy nhiên, vị đại diện này cũng lưu ý các TCTD khi tiến hàng các giao dịch bảo đảm cần chú trọng hơn việc tra cứu thông tin, xác lập các điều khoản hợp đồng để giảm tránh tối đa các trường hợp kéo dài tranh chấp khi xử lý nợ xấu tại tòa án.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xu-ly-no-xau-ngan-hang-chu-dong-nhung-can-su-phoi-hop-154279.html