Xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp

Quá trình phát triển công nghiệp đang tạo ra nhiều thách thức trong thu gom, xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp. Tại Tuyên Quang, số lượng các nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp bắt đầu tăng dần nên việc thu gom, xử lý nước thải được đặc biệt quan tâm.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang), Sơn Nam (Sơn Dương) và 4 cụm công nghiệp: An Thịnh (Chiêm Hóa), Tân Thành (Hàm Yên), Khuôn Phươn (Na Hang) và Thắng Quân (Yên Sơn). Đến thời điểm này, mới chỉ có Khu công nghiệp Long Bình An xây dựng được Trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung.

Trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Long Bình An đã hoàn thiện và sẵn sàng xử lý nước thải công nghiệp đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Long Bình An đã hoàn thiện và sẵn sàng xử lý nước thải công nghiệp đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp cho biết, Trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Long Bình An có công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm, được đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư trạm xử lý nước thải, một phần hệ thống thu gom nước thải từ các nhà máy, lắp đặt thiết bị và xây dựng hồ sinh học. Giai đoạn 2 được đầu tư trong những năm tiếp theo sẽ hoàn chỉnh thiết bị còn lại và hệ thống đường ống thu gom. Mục tiêu là xử lý nước thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Hiện, giai đoạn 1 của trạm xử lý đã hoàn thiện, sẵn sàng chạy thử, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Thanh, khó khăn hiện nay là đơn vị chưa có nước thải để vận hành thử. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang phối hợp với Sở Tài nguyên đấu nối với hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của các nhà máy trong khu công nghiệp để đạt công suất xử lý.

Hiện nay, ngoài Trạm xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Long Bình An, một số nhà máy tại các cụm công nghiệp cũng đã chủ động xây dựng khu vực xử lý nước thải riêng, đảm bảo vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất, như Nhà máy chế biến gỗ Woodsland tại Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn); Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa tại Khu công nghiệp Long Bình An.

Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa hiện đang vận hành 2 dây chuyền sản xuất: Dây chuyền bột giấy, công suất 130.000 tấn/năm và dây chuyền giấy cao cấp, công suất 140.000 tấn/năm. Trung bình lượng nước thải ra môi trường của nhà máy xấp xỉ 18.000 - 19.000 m3/ngày đêm. Nhà máy đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải, từ đầu vào, tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cải tạo, bổ sung tháp làm mát nhằm ổn định nhiệt độ đầu vào; bổ sung hệ thống sục khí tại bể cân bằng để tăng hiệu quả xử lý vi sinh; cải tạo trong nhà máy giúp giảm thiểu lưu lượng và tải lượng chất thải ra; sử dụng các chất lắng cho xử lý màu và giảm chỉ số đánh giá nước thải sau vi sinh. Sau khi xử lý, các chỉ số đánh giá nước thải, màu và hàm lượng chất rắn trong nước thải của Nhà máy luôn luôn đạt tiêu chuẩn loại A - Quy chuẩn Việt Nam QCVN12-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy. Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa cũng là đơn vị tiên phong lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải của nhà máy phải đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Cứ mỗi 5 phút, hệ thống tự động này sẽ truyền trực tiếp kết quả quan trắc nước thải sau xử lý về phòng điều khiển của nhà máy và trung tâm kiểm soát của Sở Tài nguyên và môi trường.

Đối với các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư và không có quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu phương án gom nước thải về trạm xử lý hiện có của khu, cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải ở nơi gần nhất, hoặc ghép với các cụm đã được quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng chưa được đầu tư.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/moi-truong/xu-ly-nuoc-thai-tai-cac-khu-cum-cong-nghiep-126255.html