Xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh: Giảm ô nhiễm môi trường

Tích cực triển khai Đề án 'Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại rác thải, đổ rác đúng quy định giai đoạn 2021-2025' (gọi tắt là Đề án 1553), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh xây dựng và nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh.

Rau xanh, vườn sạch

Mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Vương (Yên Thế) triển khai từ đầu năm 2023 và lựa chọn Chi hội bản La Xa làm điểm với 100% hộ hội viên tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tập huấn cho gần 100 hội viên, thành lập tổ phụ nữ thu gom, phân loại, hướng dẫn xử lý rác hữu cơ; hỗ trợ các hộ xây dựng 10 lò đốt mini, tặng thùng ủ rác, men vi sinh.

 Phụ nữ thôn Tân Lập, xã Ngọc Lý (Tân Yên) sử dụng men vi sinh ủ rác hữu cơ.

Phụ nữ thôn Tân Lập, xã Ngọc Lý (Tân Yên) sử dụng men vi sinh ủ rác hữu cơ.

Đến nay, mô hình đã nhân rộng tại nhiều thôn trong xã với hơn 200 hộ thành viên, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường. Trước đây, mỗi vụ, gia đình bà Hoàng Thị Khải ở bản La Xa tốn khoảng 400 nghìn đồng mua lân, đạm bón cho 4 sào vườn. Từ khi sử dụng men vi sinh, rác thải hữu cơ hằng ngày được xử lý thành phân bón, cây phát triển tốt giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất. Khối lượng rác của gia đình bà Khải và các hộ phải mang đổ bỏ cũng giảm đáng kể so với trước, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn.

Giai đoạn 2021 - 2024, huyện Tân Yên tích cực triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Các cấp hội phụ nữ toàn huyện đã tổ chức 32 hội nghị tập huấn, in mã QR tuyên truyền, cấp phát hơn 29 nghìn thùng, sọt chứa rác, làn nhựa và gần 20 nghìn gói chế phẩm cho hội viên phụ nữ, thành lập 19 câu lạc bộ "Phụ nữ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ".

Quá trình triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và hội cơ sở đã kiểm tra việc phân loại, xử lý rác tại hơn 15 nghìn hộ hội viên; đánh giá những ưu điểm, hạn chế để có giải pháp khắc phục. Từ một mô hình điểm tại xã Ngọc Lý, đến nay toàn huyện có 32 mô hình với hơn 500 thành viên hoạt động hiệu quả tại các xã, thị trấn. Việc xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh đã nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường và tạo cảnh quan ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Với huyện Lạng Giang, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải tại hộ gia đình, hội liên hiệp phụ nữ các cấp còn hướng dẫn thực hiện ở các trường học có tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nhất là khối mầm non. Rác hữu cơ qua xử lý bằng men vi sinh được sử dụng cho vườn rau nhà trường, giúp tăng suất và chất lượng rau sạch, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho cô và trò. Mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên các trường mầm non trong quá trình triển khai.

Tiếp tục nhân rộng

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 286 mô hình phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh với gần 7 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Các địa phương triển khai hiệu quả như huyện Lạng Giang (132 mô hình, 3,3 nghìn thành viên), thành phố Bắc Giang (48 mô hình, 1,2 nghìn thành viên), huyện Tân Yên (32 mô hình, 542 thành viên), huyện Lục Nam (11 mô hình, 223 thành viên)...

Đến nay, phụ nữ toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 286 mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng men vi sinh với gần 7 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Một số huyện triển khai hiệu quả như: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam và thành phố Bắc Giang.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình, các cấp hội phụ nữ thị xã Việt Yên tiếp tục tuyên truyền đến hội viên. Đồng thời phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức khảo sát việc phân loại, xử lý rác thải ở những địa bàn trọng điểm, khu vực tập trung đông công nhân, bếp ăn trong doanh nghiệp, nhà hàng trên địa bàn... Từ đó lựa chọn cách thức triển khai mô hình phù hợp với thực tế nhằm từng bước xây dựng ý thức, thói quen bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao, thôn kiểu mẫu.

Tại huyện Hiệp Hòa, ngay từ đầu năm, các cấp hội phụ nữ đã quán triệt hội viên thực hiện quy trình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ tại nhà. Việc tập huấn theo hướng “cầm tay, chỉ việc” để hội viên dễ hiểu, dễ áp dụng. Đồng thời, xây dựng tài liệu, pano, khẩu hiệu tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả và đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tại cơ sở.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Đề án 1553, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề ra mục tiêu có từ 90% hộ gia đình trở lên có hội viên được tiếp cận những kiến thức về bảo vệ môi trường và ký cam kết vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, đổ rác đúng nơi quy định. Đồng thời có 80% cơ sở hội trở lên xây dựng ít nhất 1 phong trào hoặc mô hình về thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại, đổ rác thải đúng quy định phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; nâng cao số hộ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ tại gia đình.

Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho hội phụ nữ từng cấp và chỉ đạo gắn triển khai mô hình với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào "Chống rác thải nhựa"; phong trào “Biến rác thải thành xe đạp”; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh”; con đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”...

Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, năm nay, Hội tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ chuyển biến nhận thức, hành vi đối với công tác bảo vệ môi trường của hội viên và Nhân dân để xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới. Đồng thời vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở; phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm vủa hội viên trong công tác bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xu-ly-rac-thai-huu-co-bang-men-vi-sinh-giam-o-nhiem-moi-truong-postid416038.bbg