Thường trực Chính phủ: Rà soát để thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau
Về quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công thương rà soát kỹ lưỡng để quy định các thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu được quyền mua bán với nhau theo đúng quy định pháp luật.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo nghị định thay thế Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83.
Theo đó, Thường trực Chính phủ thống nhất một số nội dung của nghị định mới cần đưa vào.
Cụ thể, về nguyên tắc điều chỉnh giá, cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về giá và theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp khi tình hình phức tạp hoặc biến động bất thường.

Nhiều ý kiến cho rằng, không cho thương nhân phân phối mua bán với nhau là phạm luật. Ảnh: Tạ Hải.
Về quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng, Bộ Công thương được yêu cầu rà soát kỹ lưỡng để quy định các thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu được quyền mua bán với nhau theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, bảo đảm tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất phương án thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu bằng 20 ngày cung ứng như hiện hành và thương nhân phân phối không thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu; hoàn thành việc số hóa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trước ngày 30/4/2025. Thương nhân, doanh nhân nào không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế thì coi như không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và thu hồi giấy phép; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ Công thương được giao là cơ quan chủ trì đối với các nội dung về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm công khai, minh bạch và nguyên tắc thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Ngoài ra, bộ này còn được yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ hơn nội hàm cụ thể và lý do đề xuất một số vấn đề.
Chẳng hạn, những nội dung lược bỏ; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung bổ sung; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính); những nội dung phân cấp, phân quyền; những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng và kiến nghị phương án giải quyết…