Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn: 'Mệnh lệnh' không thể trì hoãn
Theo giới chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách, giải quyết triệt để việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong bối cảnh hiện nay là 'mệnh lệnh' không thể chậm trễ.
Bài 4: “Cuộc cách mạng xanh” xử lý rác thải sinh hoạt: Không thể chậm trễ!
Để sớm giải quyết vấn đề ùn ứ rác thải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, giới chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải ưu tiên giải quyết triệt để việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đây cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, nhằm đảm bảo việc tách rác thải sinh hoạt thành các loại khác nhau, qua đó góp phần giảm lượng chất thải cần xử lý chôn lấp, tăng lượng chất thải tái chế; tận dụng chất thải thực phẩm sản xuất phân bón vi sinh; giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm; từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, tiến đến xây dựng xã hội vì môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.
Quy định rõ trách nhiệm của địa phương
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng bất cập lớn nhất trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở các địa phương suốt nhiều năm nay là chủ yếu chôn lấp, dẫn đến việc nhiều bãi rác đã quá tải, không hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, tại nhiều địa phương, nhà chức trách cũng chưa thật sự coi vấn nạn rác thải như một bài toán về quản lý đô thị. Đơn cử như tại thành phố Hà Nội, tình trạng “tắc” - “ngập” rác thải do người dân chặn xe vào các bãi rác đã nhiều lần xảy ra, vậy tại sao mãi vẫn không có giải pháp xử lý triệt để?
Theo ông Tùng, lý do chính là không có ai chịu trách nhiệm cho vấn đề trên; không có lãnh đạo, cán bộ nào bị khiển trách, kỷ luật liên quan đến việc quy hoạch, quản lý các bãi rác. Khi người dân kêu, chính quyền cũng chỉ hứa và cam kết để “xoa dịu.”
Do đó, ông Tùng cho rằng các cấp chính quyền của Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần phải thay đổi cách quản lý, vận hành các bãi rác và xử lý rác thải đô thị. Đặc biệt, các địa phương cần sớm triển khai việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là giải pháp quan trọng để giảm tải cho các bãi chôn lấp rác cũng như hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh việc phân loại rác thải tại nguồn, ông Tùng cũng khuyến nghị các địa phương cần quan tâm đến công nghệ xử lý rác là đốt phát điện hoặc ép thành viên gạch để sử dụng trong lĩnh vực xây dựng; đặc biệt là không thể tiếp tục duy trì xử lý rác theo kiểu chôn lấp vừa tốn diện tích, tiềm ẩn tới môi trường từ nước rỉ rác.
Khẳng định việc xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn là yêu cầu cấp thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng cho rằng vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trực tiếp là việc quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề kinh tế-xã hội-môi trường thiết yếu. Nó đang diễn ra hàng ngày, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của từng hộ gia đình, cá nhân và toàn thể cộng đồng, xã hội.
Vì thế, tại phiên “giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” diễn ra ngày 19/12/2022, lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp với văn phòng; vướng mắc và hướng xử lý.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đề nghị các địa phương thời gian tới cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch; bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng,vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trên cơ sở đó, để công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt được hiệu quả, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cho biết cơ quan này sẽ quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện vấn đề xử lý rác thải rắn sinh hoạt.
Có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư
Tại phiên “giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” diễn ra ngày 19/12/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các bộ ngành liên quan cần làm rõ trách nhiệm trong xử lý rác thải; cơ chế để địa phương xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đánh giá về các mô hình tốt cần được triển khai rộng, phát huy nguồn lực của địa phương thực hiện xử lý rác thải.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối với các cơ quan hữu quan xem xét vấn đề tài chính, công nghệ, kinh tế, đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đặc biệt là cần có sự tư vấn, tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Về trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện với nhà đầu tư trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đây là lĩnh vực được ưu đãi, việc khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này đã được quy định trong Luật Đầu tư và được hưởng các chính sách xã hội hóa theo quy định tại các Nghị định số 59, 69.
Cũng theo bà Ngọc, lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt không hạn chế doanh nghiệp tham gia, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn thực hiện và chỉ triển khai đấu thầu trong trường hợp ở một địa điểm thực hiện có nhiều nhà đầu tư tham gia để lựa chọn nhà đầu tư.
Tại thời điểm hiện nay, nhà đầu tư có thể tham gia thông qua hợp tác công-tư (PPP). Theo đó, Nhà nước sẽ lập dự án xử lý rác thải và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo các tiêu chuẩn về công nghệ, tài chính, quản trị.
Cách thứ hai là nhà đầu tư có thể đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, được áp dụng các chính sách ưu đãi. Theo phương pháp này, Nhà nước cũng công bố danh mục để thu hút nhà đầu tư, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, giá thực hiện dịch vụ xử lý rác thải phải phù hợp. Tuy nhiên hiện nay, các địa phương vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau, như một số doanh nghiệp phản ánh về việc yêu cầu đấu giá quyền sử dụng đất, thậm chí với dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện cũng xem xét lựa chọn trên tiêu chuẩn giá điện.
Về vấn đề quy hoạch, bà Ngọc nhấn mạnh Luật Quy hoạch năm 2017 quy định rất rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, trong phương án phát triển xử lý chất thải, bao gồm cả xử lý chất thải liên vùng cấp tỉnh thì phải được đưa vào quy hoạch vùng, cấp tỉnh. Trong thời gian qua, khi phê duyệt, thẩm định quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để yêu cầu địa phương thực hiện đúng quy định của luật, đưa quy hoạch về xử lý chất thải vào quy hoạch tỉnh, vùng.
Bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm của các địa phương và kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách cũng cho rằng cần có sự góp sức của cộng đồng và sự tham gia của các bên liên quan trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hướng tới “cuộc cách mạng xanh”
Theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Đây được xem là bước tiến quan trọng để Việt Nam hướng tới “cuộc cách mạng xanh” về rác thải cũng như hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững hơn.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus trong quá trình đi khảo sát dự án thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại Đà Lạt vào giữa tháng 12/2022, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (nay là Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn là xu thế tất yếu đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng đã có quy định. Cụ thể, theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ ngày 25/8/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, để có lộ trình thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã “giãn” thời gian và yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định mới.
Theo đó, từ 25/8/2022 đến ngày 31/12/2024 là khoảng thời gian để các địa phương triển khai thí điểm cũng như để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải và làm quen với việc phân loại rác thải sinh hoạt hàng ngày. Từ ngày 1/1/2025, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
“Như vậy, vì tương lai xanh, muốn hay không thì sau ngày 31/12/2024, việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải thực hiện trên cả nước,” ông Thịnh nói.
Theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thí điểm quy định trên.
Cụ thể, vào tháng 6/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành quy định về việc thí điểm quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hội An. Theo đó, tỉnh này thống nhất chủ trương triển khai thí điểm quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Nhằm khắc phục tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cũng đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khẩn trương xây dựng các điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác theo Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 đã được thành phố phê duyệt.
Tại tỉnh Nghệ An, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đang tích cực phối hợp với các chuyên gia để tiến hành xây dựng cơ chế thu phí chất thải rắn sinh hoạt dựa trên bao bì áp dụng cho huyện Nam Đàn. Đây là 1 trong 3 địa phương trên cả nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn triển khai dự án thí điểm mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn.../.