Xử lý rác thải tại gia đình: Đa lợi ích
Nhằm giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, huyện Phú Bình đã chỉ đạo các địa phương thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình.
Đến xã Thượng Đình, chúng tôi được lãnh đạo địa phương cho biết, phần lớn các hộ dân nơi đây đều đã thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình.
Bà Trần Thị Tâm, ở xóm Trại Mới, cho hay: Trước đây, tôi thường gom các loại rác vào bao tải và mang ra điểm tập kết của xã để vứt. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, xã hướng dẫn cách phân loại, tôi đã chia rác thải làm 3 thùng riêng là rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế.
Đối với rác hữu cơ (rau củ, thức ăn thừa…), cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Thượng Đình, bà Tâm cho vào thùng 50l và xử lý bằng chế phẩm sinh học để rác thải lên men, sau đó lấy nước tưới cho cây trồng. Với rác thải là nhựa, vỏ lon… bà gom vào bao, định kỳ 3 tháng/lần mang ra nhà văn hóa xóm và cùng chị em cân bán lấy tiền, quyên góp vào quỹ của Chi hội Phụ nữ xóm để giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Duy chỉ có rác thải vô cơ (túi nilon, sành, sứ…), do không thể phân hủy được, bà Tâm mới mang ra điểm tập kết rác của xã.
Chị Dương Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Đình, thông tin: Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Hội đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền đến người dân ở 15/15 xóm thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Thời gian đầu, các hộ còn chưa quen, nhưng sau khi được tuyên truyền và cấp thùng để xử lý rác hữu cơ, đến nay xã đã có trên 80% hộ dân, tương đương gần 1.900/2.264 hộ, đã phân loại rác thải tại gia đình. Điều này không những góp phần giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, mà còn giảm thiểu đáng kể lượng rác thải phát sinh ra môi trường.
Không chỉ ở Thượng Đình, hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Bình đều hướng dẫn người dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trung bình 1 ngày, khối lượng chất thải sinh hoạt được thu gom trên địa bàn huyện là khoảng 70-80 tấn. Trong đó, rác thải ở khu vực nông thôn chiếm đến 75%, còn lại là rác thải ở khu vực đô thị, doanh nghiệp, khu dân cư…
Từ năm 2021 trở về trước, khi người dân chưa quan tâm thực hiện phân loại rác thải, trung bình mỗi ngày, huyện Phú Bình phải xử lý 20-22 tấn rác. Đến nay, con số này giảm còn 15-17 tấn/ngày (giảm khoảng 30% so với trước).
Trước thực tế bãi chôn lấp rác của Công ty Dịch vụ môi trường Anh Đăng (nằm trên địa bàn thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) qua nhiều năm hoạt động đã đầy, không thể chứa thêm rác thải, trong khi Khu liên hợp xử lý môi trường Phú Bình (ở xóm Cầu Muối, xã Tân Thành) chưa được xây dựng, thì việc người dân nâng cao ý thức phân loại rác thải tại gia đình là hết sức cần thiết.
Việc làm này không những góp phần cải thiện môi trường nông thôn, mà còn giúp giảm áp lực, chi phí vận chuyển cho Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện. Bởi hàng ngày, đơn vị phải thu gom, vận chuyển rác thải từ Phú Bình về bãi rác Đá Mài, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) để xử lý, với quãng đường 80km/chuyến.
Từ hiệu quả thiết thực của việc phân loại rác thải tại gia đình, thời gian tới, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động người dân chủ động đầu tư kinh phí thực hiện phân loại rác thải tại gia đình; hướng dẫn các hộ thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; nhân rộng mô hình “Ngôi nhà xanh”, bán rác thải tái chế để giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo tại địa phương… Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.