Xử lý rác thải xây dựng: Cần giải pháp căn cơ

ĐBP - Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng trọng điểm được triển khai nên lượng chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ tương đối lớn. Thế nhưng, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng hiện nay đều là hoạt động tự phát và chưa được quản lý đồng bộ. Tình trạng 'tiện đâu đổ đó' là cách mà nhiều người dân, chủ thầu đang áp dụng đối với việc xử lý loại chất thải này.

Rác thải xây dựng chất đống ngổn ngang gần khu tái định cư số 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.

Những ngày đầu tháng 4/2022, khi thành phố Điện Biên Phủ chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập thì tại phường Thanh Bình, một số điểm nóng về rác thải xây dựng đã gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, tại khu vực tổ dân phố 1 xảy ra tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng chủ yếu là gạch vụn, vữa, bê tông vụn; khu vực ven đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn gần sân bay, sau khi phá dỡ các công trình nhà ở để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, nhiều rác thải xây dựng không được thu gom, vận chuyển hết mà chất thành từng đống, thậm chí còn có cả xe chở chất thải xây dựng từ nơi khác đến đổ trộm khiến khu vực này ngổn ngang chất thải xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng môi trường.

Ông Vũ Đình Toán, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình, cho biết: Trước thực trạng trên phường Thanh Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố tiến hành xử lý. Cụ thể khu vực ven đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn gần sân bay, chúng tôi đã thuê máy xúc, máy ủi san gạt các đống chất thải xây dựng tạo thành mặt bằng. Còn khu vực đầu tổ dân phố 1, chúng tôi thuê xe tải đến thu gom, vận chuyển đi nơi khác với khối lượng khoảng 100 tấn rác thải xây dựng.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, dọc hành lang tuyến đường gần khu vực tái định cư số 1, phường Thanh Trường từ lâu xuất hiện 1 bãi tập kết rác thải xây dựng kéo dài khoảng 200m. Những đống gạch vụn, những mảng tường, vữa vụn từ các ngôi nhà cũ phá dỡ được tập kết thành từng đống. Dù không có số liệu thống kê cụ thể nhưng ước tính lượng phế thải lên đến hàng chục tấn. Trong khi theo tìm hiểu được biết, hợp đồng phía Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên chỉ thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, còn phế thải xây dựng không có trách nhiệm phải thu gom.

Gạch, ngói, vữa, xi măng thải… trong ngành xây dựng được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy. Thế nhưng việc quản lý và xử lý chất thải rắn xây dựng hiện nay vẫn là bài toán còn nhiều nan giải. Tìm hiểu thực tế cho thấy, tại nhiều công trình xây dựng, vữa, gạch, bê tông vụn… đập ra được chủ thầu thi công hợp đồng xe tải vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó được chở đi đổ ở đâu thì đa phần không ai quan tâm đến. Do đó, bãi đáp cuối cùng của loại chất thải này thường là một bãi đất trống nào đó ở vùng ven đô thị, thậm chí cả trong các khu đất dự án chờ thi công, gây mất mỹ quan và không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

Ông Trần Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 1393/QĐ-UBND ngày 6/8/2021 về việc phê duyệt kế hoạch khai thác các vị trí, khu vực đổ thải phục vụ dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và một số dự án trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, trong đó có quy hoạch các vị trí đổ thải. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ chưa được quản lý đồng bộ và thống nhất, do chưa ban hành Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải rắn xây dựng như: phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý đều là hoạt động tự phát và chưa được quản lý đồng bộ. Chất thải rắn xây dựng không được thu gom, xử lý đúng quy định mà đổ thải tràn lan không được kiểm soát.

Thông tin từ Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên, dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên sẽ phát sinh khoảng 1,1 triệu mét khối chất thải rắn xây dựng từ hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình trọng điểm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, rõ ràng việc quy hoạch bãi thải xây dựng và các giải pháp xử lý rác thải trong xây dựng là việc làm cấp thiết để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Được biết, cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh đã có văn bản số 819/UBND-TH đồng ý với đề xuất về vị trí, địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng theo đề nghị của Sở Xây dựng. Theo đó, khu vực dự kiến là địa bàn bản Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Sau khi hoàn thành dự án kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu lượng chất thải rắn thải ra môi trường; đồng thời, tận dụng nguồn nguyên liệu để tái chế, tái sử dụng thành vật liệu xây dựng mới, đảm bảo mục tiêu phát triển thành phố Điện Biên Phủ là thành phố xanh, sạch, đẹp.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/200752/xu-ly-rac-thai-xay-dung-can-giai-phap-can-co