Xử lý tài chính, tài sản mua, tiếp nhận của DATC đối với doanh nghiệp tái cơ cấu
Đây là một trong những nội dung đang được một số doanh nghiệp quan tâm, cần giải đáp. Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cụ thể, nguyên tắc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc DATC chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây;Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Nội dung xử lý tài chính, đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp. DATC xem xét, giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu được căn cứ theo Quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về xác định giá trị doanh nghiệp trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ; Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên;
Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu có phát sinh lỗ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định, số lỗ còn lại được DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ.
Đối với các doanh nghiệp khác là bên nợ của DATC gắn với phương án xử lý thu hồi nợ. DATC giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp nợ trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết đã thống nhất giữa các bên. Mức giảm trừ tối đa không quá số lỗ lũy kết trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.
Nghị định cũng nêu rõ, việc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc DATC chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây; Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Cùng với việc quy định về xử lý tài chính đối doanh nghiệp tái cơ cấu, Chính phủ cũng quy định nguyên tắc xử lý tài sản mua, tiếp nhận. Theo đó, khi xử lý tài sản mua, tiếp nhận, DATC phải tuân thủ các quy định sau:
Tài sản phải được đánh giá lại giá trị thông qua tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và làm cơ sở để xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
Trường hợp sử dụng tài sản, dự án để hợp tác kinh doanh, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết thì giá trị góp vốn thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận giữa các bên nhưng không thấp hơn giá trị được tổ chức tư vấn định giá lại.
Tổ chức bán đấu giá công khai, chào giá cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với tài sản tiếp nhận được DATC sử dụng vào mục đích kinh doanh thì DATC nộp tiền về ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp tương ứng với giá trị tài sản định giá lại sau khi trừ (-) đi chi phí chuyển trả cho doanh nghiệp giữ hộ tài sản trước khi bàn giao cho DATC và các chi phí liên quan đến việc DATC tiếp nhận, định giá tài sản.
Đối với tài sản mua, tiếp nhận theo chỉ định, DATC căn cứ vào phương án mua, bán, xử lý tài sản chỉ định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) và các hình thức, nguyên tắc xử lý tài sản quy định tại Điều 18 và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị định này để xử lý.
Trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng (+) một phần chi phí quản lý.