Xử lý thế chân kiềng khập khiễng

Đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2035, hệ thống ngân hàng cần cơ cấu lại theo hướng nâng cao sức mạnh, thông qua xử lý thế chân kiềng khập khiễng hiện nay giữa 3 yếu tố là vốn điều lệ, huy động và cho vay.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và tăng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 - 2035, gánh nặng trên vai hệ thống ngân hàng là vô cùng nặng nề. Năm 2024, GDP chỉ tăng trưởng 7,09% mà tổng tín dụng tăng tới 15,08%, đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,1 triệu tỷ đồng so với năm 2023.

Nếu hiệu quả sử dụng tín dụng ngân hàng không được cải thiện rõ rệt, tín dụng cần phải tăng trên 20% mỗi năm trong giai đoạn đến 2035 để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, động lực tăng trưởng kinh tế cao 10 năm tới được xác định là khoa học công nghệ cao - lĩnh vực thâm dụng vốn lớn, đi đôi với việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển - khu vực này đã, đang và sẽ phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng phải đảm trách cung ứng một lượng vốn tín dụng khổng lồ cho nền kinh tế, đồng thời vẫn phải duy trì các chỉ tiêu an toàn, kiểm soát nợ xấu và quản lý tốt rủi ro. Theo đó, hệ thống ngân hàng trong 10 năm tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiệm vụ của ngành ngân hàng là phải đạt tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%

Nhiệm vụ của ngành ngân hàng là phải đạt tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%

Củng cố tiềm lực tài chính, trước hết là tăng vốn điều lệ

Tính đến 31/12/2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước (bao gồm Agribank và 27 ngân hàng thương mại cổ phần) là 823.522 tỷ đồng (tương đương 33 tỷ USD), tăng 15,23% so với cuối năm 2023. Trong đó, 16 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD (năm 2023 có 12 ngân hàng).

Năm qua, có 20 trong tổng số 28 ngân hàng thương mại thực hiện tăng vốn. Trong đó, NCB và Techcombank ghi nhận mức tăng vốn mạnh nhất, lần lượt đạt 110% và 100% so với năm 2023. Vốn điều lệ của NCB đã tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 11.780 tỷ đồng, vươn từ vị trí thứ 23 về quy mô vốn trong hệ thống trong năm 2023 lên vị trí thứ 20. Còn Techcombank đã tăng vốn từ 35.225 tỷ đồng lên 70.658 tỷ đồng, nhảy vọt từ vị trí 11 lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng quy mô vốn điều lệ.

VPBank dù không tăng vốn điều lệ trong năm qua nhưng vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ, với 79.339 tỷ đồng.

Ngoài VPBank và Techcombank, Top 10 ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay bao gồm BIDV, với 68.975 tỷ đồng (tăng 21%); Vietcombank, với 55.891 tỷ đồng (không thay đổi); VietinBank, với 53.670 tỷ đồng (không thay đổi); MB, với 53.063 tỷ đồng (tăng 1,77%); Agribank, với 51.616 tỷ đồng (tăng 25%); ACB, với 44.666 tỷ đồng (tăng 15%); SHB, với 38.073 tỷ đồng (tăng 1,16%) và HDBank, với 35.101 tỷ đồng (tăng 20,72%).

Các ngân hàng còn lại đều có quy mô vốn điều lệ dưới 30.000 tỷ đồng. Trong đó, 7 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng, gồm Saigonbank (3.388 tỷ đồng), KienlongBank (3.653 tỷ đồng), PGBank (4.200 tỷ đồng), Viet A Bank (5.400 tỷ đồng), BVBank (5.518 tỷ đồng), VietBank (7.139 tỷ đồng), Bac A Bank (8.959 tỷ đồng,).

Tuy nhiên, vị trí của các nhà băng thuộc Top đầu về quy mô vốn điều lệ sẽ có thay đổi lớn khi mới đây Vietcombank đã công bố kế hoạch phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu thưởng, với tỷ lệ phát hành 49,5% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của nhà băng tăng thêm 27.666 tỷ đồng, từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietcombank còn dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tổ chức (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm 2025. Hiện tại, cổ đông Nhà nước đang nắm giữ 74,8% vốn điều lệ của Vietcombank; cổ đông ngoại Mizuho Bank Ltd nắm giữ 15%; cổ đông khác nắm giữ 10,20%.

Trong năm 2024, Agribank đã được cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng. Với định hướng tín dụng năm 2025 tăng khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Agribank, nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Ngân hàng cần bổ sung 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có. Nhà băng này đã kiến nghị được cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.

Rõ ràng, nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao tiềm lực tài chính, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm chi phối, đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thu hút thêm các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần có phương án sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ nhằm tăng vốn điều lệ một cách cơ học nếu không thể tự vươn mình thành ngân hàng lớn. Mục tiêu trong 5 năm tới của ngành ngân hàng là rút số lượng ngân hàng thương mại cổ phần từ con số 30 xuống còn khoảng 25, với vốn điều lệ không dưới 1 tỷ USD, trong đó có 3 - 5 ngân hàng có vốn điều lệ tương đương 4 tỷ USD.

Tốc độ tăng tiền gửi chậm hơn tốc độ tăng tín dụng, khiến chênh lệch giữa huy động và cho vay tới cuối tháng 3/2025 đã lên đến 1 triệu tỷ đồng

Tốc độ tăng tiền gửi chậm hơn tốc độ tăng tín dụng, khiến chênh lệch giữa huy động và cho vay tới cuối tháng 3/2025 đã lên đến 1 triệu tỷ đồng

Tăng quy mô huy động tiền gửi

Huy động tiền gửi của các ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới khi 26 ngân hàng đã công bố kết quả huy động vốn trong năm 2024 với tổng lượng huy động đạt 12,846 triệu tỷ đồng, tăng 12,89% so với năm 2023.

Nhóm Big4 tiếp tục dẫn đầu hệ thống về huy động tiền gửi của khách hàng. Trong đó, Agribank thu hút được lượng tiền gửi lớn nhất, vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. BIDV đứng thứ 2, với việc huy động thành công hơn 1,929 triệu tỷ đồng, tăng 14,47% so với năm 2023. VietinBank đứng thứ ba, với trên 1,603 triệu tỷ đồng, tăng 13,75%. Còn Vietcombank thu hút được hơn 1,515 triệu tỷ đồng tiền gửi trong năm qua, tăng 8,13% so với năm trước đó.

Tính chung, nhóm Big4 ngân hàng đang nắm giữ 56% thị phần huy động tiền gửi trong tổng số 26 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024.

Ngoài 4 ngân hàng trên, Top 10 nhà băng dẫn đầu về huy động tiền gửi của khách hàng lần lượt là: MB, với 714.066 tỷ đồng (tăng 25,35%); Sacombank, với 561.741 tỷ đồng (tăng 10,92%); ACB, với 539.129 tỷ đồng (tăng 11,47%); Techcombank, với 536.746 tỷ đồng (tăng 17,26%); SHB, với 496.106 tỷ đồng (tăng 11,57%) và VPBank, với 485.735 tỷ đồng (tăng 9,5%).

Xét về tốc độ tăng trưởng huy động vốn, MB, NCB và PGBank là các ngân hàng dẫn đầu hệ thống trong năm qua, với mức tăng trên 20% so với năm 2023. Tiếp đến là LPBank (tăng 19,28%), BVBank (18%), Techcombank (17,26%), MSB (16,82%), VIB (16,69%)...

Saigonbank đứng cuối bảng xếp hạng về huy động vốn trong năm qua, với 25.025 tỷ đồng (tăng 3,5% so với năm 2023).

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều nỗ lực huy động tiền gửi, đặc biệt là tiền gửi từ dân cư, song tốc độ tăng tiền gửi vẫn không theo kịp tốc độ tăng tín dụng nên đến tháng 3/2025, chênh lệch giữa huy động và cho vay đã lên đến 1 triệu tỷ đồng. Nếu không đảm bảo được nguồn tiền huy động thông qua cạnh tranh với các kênh khác như đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng và ngoại tệ thì hệ thống ngân hàng không thể có đủ nguồn lực để cung ứng vốn cho nền kinh tế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng hai con số. Ngoài ra, bài toán huy động tiền gửi ngân hàng cần lý giải hiện tượng Big4 vẫn có quy mô huy động cao nhất, bất chấp lãi suất huy động thực tế luôn thấp nhất hệ thống.

Cơ cấu lại đội ngũ nhân viên ngân hàng

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2024 của 27 ngân hàng thương mại trong nước (không bao gồm Agribank do chưa công bố báo cáo tài chính và 5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt), tổng số nhân sự tại thời điểm 31/12/2024 là 241.417 người, tăng 5.467 người so với thời điểm đầu năm 2024.

Một số nhà băng ghi nhận số lượng nhân sự tăng so với đầu năm, trong đó tăng mạnh nhất là MB (tăng 1.674 người, lên 12.155 người) và VPBank (tăng 1.404 người, lên 15.003 người). Top 5 ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất về số lượng nhân sự trong năm 2024 còn có HDBank (tăng 965 người, lên 10.592 người), Vietcombank (tăng 796 người, lên 23.538 người) và LPBank (tăng 562 người, lên 11.189 người).

Xét về quy mô nhân sự, BIDV (26.000 người), Vietcombank (23.500 người), VietinBank (22.500 người) lần lượt dẫn đầu về số lượng nhân viên. Tuy nhiên, trên thực tế, Agribank mới là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về số lượng nhân viên (theo số liệu tại ngày 30/6/2024, Ngân hàng có trên 40.000 người lao động).

Nhóm ngân hàng có quy mô nhân sự trên 10.000 người còn có Sacombank (17.000 người), VPBank (15.000 người), ACB (12.800 người), MB (12.155 người), VIB (11.300 người), LPBank (11.200 người), Techcombank (11.000 người) và HDBank (10.600 người).

Trong khi đó, Saigonbank (1.500 người), Viet A Bank (1.500 người) và PGBank (1.900 người) là 3 ngân hàng có số lượng nhân viên thấp nhất hệ thống…

Đầu năm 2025, Sacombank đã mạnh tay cắt giảm nhân sự khi hàng loạt nhân viên, hầu hết là những người chưa có bằng đại học, phải rời khỏi ngân hàng để tìm việc mới. Sacombank cũng là một trong 8 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số lượng nhân viên trong năm 2024. Theo đó, số lượng cán bộ nhân viên tại nhà băng này tính đến 31/12/2024 là 17.058 người, giảm 354 người so với đầu năm.

Một mặt, hầu hết các ngân hàng đều đã và đang thực hiện tinh gọn bộ máy trong vài năm trở lại đây, mặt khác nhiều ngân hàng vẫn phải tuyển dụng thêm cho những bộ phận thực sự cần thiết. Dẫn đầu về sự sụt giảm số lượng nhân sự năm vừa qua là BIDV, khi giảm tới 1.107 người.

VIB sau khi tăng mạnh 1.800 nhân viên trong năm 2023 (cao nhất hệ thống) đã ghi nhận mức sụt giảm 476 người trong năm 2024, về 11.323 người. Tiếp theo là ACB, giảm 377 người trong năm qua, về 12.847 người (năm 2023 tăng hơn 600 người)…

Số lượng và chất lượng đội ngũ nhân viên ngân hàng sẽ còn nhiều biến động trong những năm tới, song xu hướng chung là hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố nhân sự cả về số lượng và chất lượng thông qua cơ cấu lại trên phạm vi toàn hệ thống, cũng như trong phạm vi mỗi ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về khối lượng công việc cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng.

Tăng quy mô tín dụng cho vay

26 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố số liệu cho vay khách hàng năm 2024 (không bao gồm Eximbank, VietBank và 5 ngân hàng yếu kém) với tổng lượng vốn cung ứng ra thị trường là hơn 13,026 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm Big4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) đã chiếm 47% tổng dư nợ của 26 ngân hàng này, đồng thời lần lượt chia nhau 4 vị trí đầu tiên về lượng cho vay khách hàng trong năm 2024.

Dẫn đầu là BIDV, với 2,013 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2024, tăng 15,71% so với cùng kỳ năm trước đó. Đứng thứ hai là Agribank, với trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 10,81% so với năm 2023. VietinBank và Vietcombank chia nhau vị trí thứ ba và thứ tư, khi cho vay khách hàng của hai ngân hàng này lần lượt đạt 1,708 triệu tỷ đồng và 1,435 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 14% so với năm 2023.

Big4 cũng là nhóm duy nhất đạt mức cho vay khách hàng trên 1 triệu tỷ đồng/ngân hàng trong năm qua. MB đứng thứ 5 hệ thống về dư nợ cho vay, với 734.594 tỷ đồng cho vay ra, đồng thời trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng, đạt 27%. VPBank và Techcombank lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và thứ 7 về cho vay khách hàng, với 615.879 tỷ đồng và 605.813 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 20,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Ba ngân hàng còn lại trong Top 10 về quy mô tín dụng, gồm ACB, với 569.734 tỷ đồng, tăng 18,37%; Sacombank, với 526.765 tỷ đồng, tăng 11,63%; SHB, với 506.112 tỷ đồng, tăng 19%.

Xét về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm qua, NCB là ngân hàng đạt mức tăng trưởng cao nhất hệ thống, lên tới 28,6%.

Ở chiều ngược lại, ABBank, Saigonbank và Bac A Bank là 3 nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong năm qua. Đặc biệt, ABBank chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng 0,64%, trong khi hai ngân hàng còn lại đạt trên 9%.

Xét về con số tuyệt đối, Saigonbank là ngân hàng có thị phần cho vay thấp nhất trong ngành, với dư nợ cho vay đạt 19.967 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ cho vay khách hàng của 26 ngân hàng.

Thực tiễn tín dụng cho vay của hệ thống ngân hàng cho thấy có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi nhóm Big4 vẫn duy trì vị thế dẫn đầu, thì nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chỉ chiếm 44% tổng vốn huy động tiền gửi nhưng lại cáng đáng tới 53% tổng vốn cho vay, với sự tách nhóm rõ rệt giữa khoảng 15 ngân hàng có tốc độ tăng tín dụng cho vay cao ngất với khoảng 5 ngân hàng gần như “chết lâm sàng”.

Thời gian tới, cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng cần sử dụng room tín dụng một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, đặc biệt room tín dụng không chỉ là giới hạn trần như hiện nay, mà còn phải là giới hạn sàn cho vay mà ngân hàng phải thực hiện và nếu không đạt mức sàn cho vay thì cần cảnh báo khả năng bắt buộc cơ cấu lại, kể cả bắt buộc sáp nhập.

TS. Vũ Đình Ánh / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xu-ly-the-chan-kieng-khap-khieng-post372434.html