Đảng bộ Bộ Công Thương: Vai trò hạt nhân trong phát triển khoa học công nghệ
Thời gian qua, Đảng bộ Bộ Công Thương đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nên sự bứt phá của khoa học công nghệ ngành Công Thương.
Bám sát chỉ đạo của Đảng về phát triển khoa học công nghệ
Trong hành trình phát triển và hội nhập của đất nước, ngành Công Thương luôn giữ vai trò “xương sống” của nền kinh tế quốc dân, đảm đương trọng trách lớn trong phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, ổn định thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và chuyển đổi số quốc gia.
Góp phần quan trọng vào những thành quả to lớn đó không thể không kể đến vai trò lãnh đạo toàn diện, sâu sát của Đảng bộ Bộ Công Thương, hạt nhân chính trị của toàn ngành, đặc biệt trong việc định hướng và triển khai hiệu quả các chủ trương về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, Đảng ủy Bộ đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, định hướng, mục tiêu của Đảng; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến và nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với ngành Công Thương; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thông qua việc chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương.
Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ ngành Công Thương, thực hiện Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của ngành Công Thương, Bộ đã tập trung xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của ngành, phục vụ công tác hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực của ngành, ưu tiên việc nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Trong giai đoạn 2021-2025, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của ngành đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng.
Việc hướng các trọng tâm ưu tiên về triển khai công tác nghiên cứu mang tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực về tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ như IoT trong sản xuất, phân tích dữ liệu cho thương mại điện tử… đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận gần hơn với nhu cầu thị trường; hệ thống các tổ chức nghiên cứu của Bộ từng bước được tái cấu trúc theo hướng tăng cường tự chủ về tài chính gắn với việc tổ chức lại mô hình quản lý và vận hành theo hướng thị trường và hiệu quả hơn; công tác phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành Công Thương tiếp tục được đẩy mạnh.
Hoạt động khoa học công nghệ cũng đã đóng góp quan trọng cho Bộ trong việc cung cấp các luận cứ khoa học trong tham mưu, tư vấn xây dựng chiến lược, chính sách của ngành, đặc biệt là trong việc ứng phó với các vấn đề mới, các xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh; ứng phó với sự gia tăng của các xung đột thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu…

Ngành Công Thương sẽ tiếp tục được tái cơ cấu một cách thực chất, hiệu quả dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh minh họa
Tiếp tục phát triển khoa học công nghệ như một nòng cốt
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường; các xung đột chính trị, thương mại diễn ra phức tạp ở nhiều khu vực; các nước lớn và các trung tâm quyền lực sẽ cạnh tranh ngày càng gay gắt; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đi đôi với xu hướng điều chỉnh chuỗi sản xuất, thương mại và đầu tư toàn cầu; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng ngày càng được các nước quan tâm, thúc đẩy.
Trước tình hình đó, Đảng bộ Bộ Công Thương nêu phương hướng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh, có những chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm bứt phá, thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành Công Thương góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Hiện thực hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và Đảng ủy Chính phủ để tự tin, tự lực, tự cường tiến vào kỷ nguyên phát triển mới.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của Ngành Công Thương theo hướng bền vững, tự chủ và có khả năng cạnh tranh toàn cầu, vững bước hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số trở thành lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của ngành, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời, thực hiện đột phá chiến lược phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp cận trình độ quốc tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành; phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại trên toàn quốc.
Về mặt giải pháp, Đảng bộ Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương một cách thực chất, hiệu quả, dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong đó, cuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số, số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy nhanh chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, dệt may, da giày, thực phẩm...; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải tiến công nghệ; áp dụng các mô hình quản trị, sản xuất hiện đại, bền vững, tuần hoàn và ít phát thải nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phát triển bền vững; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, các-bon thấp, trách nhiệm xã hội, lao động của các thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tăng cường xúc tiến đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Theo Bộ Công Thương, một trong những giải pháp quan trọng thời gian tới là xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm để tổ chức thực hiện phục vụ công tác hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực của ngành, đặc biệt trong công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển.Đồng thời, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi nhân lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số; tăng cường các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học và tổ chức quốc tế, tăng cường thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số….