Xử lý thực phẩm trong tủ lạnh mất điện ở vùng lũ thế nào?

Những ngày qua, mưa lớn, lũ lụt tại 17 tỉnh/TP phía Bắc do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây mất điện, đến nay, 97,9% khách hàng miền Bắc được cấp điện trở lại. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn không biết xử lý thực phẩm trong tủ lạnh thế nào trong thời gian mất điện.

Loại bỏ thực phẩm trong tủ lạnh mất điện

Trong đợt mưa bão vừa qua, nhiều gia đình tích trữ thức ăn, tuy nhiên có những loại thực phẩm như thịt, cá tươi sống cần bảo quản trong tủ lạnh lại bị mất điện nhiều giờ. Việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe. Vậy cách xử lý thế nào là an toàn?

Liên quan đến vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn bảo quản với các nhóm thực phẩm tại gia đình trong mùa mưa lũ.

Trong đó, Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn, khi bị mất điện, cửa tủ lạnh và tủ đá (freezer) phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ lạnh. Một tủ đá với đầy kín thức ăn, nếu cửa đóng chặt sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, trong khi đó nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì giữ được độ lạnh 24 giờ. Đối với tủ lạnh chỉ giữ được độ lạnh khoảng 4 giờ sau khi bị mất điện.

Loại bỏ những loại thực phẩm như thịt, cá tươi sống sau 4 giờ mất điện

Loại bỏ những loại thực phẩm như thịt, cá tươi sống sau 4 giờ mất điện

Sau đó, các thực phẩm hỏng phải được bỏ đi. Mặc dù những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang bệnh, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Các loại thực phẩm cần phải bỏ đi như thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồng thời, những thức ăn dư thừa từ những ngày trước đó, như cá ngừ, cơm, mì ống, rau xà lách, các loại nước dressing cũng nên đổ bỏ.

Khi có điện trở lại, người dân cần xem thực phẩm trong tủ lạnh còn tươi và an toàn để tiếp tục dùng hay không. Nếu gia đình để một nhiệt kế trong tủ đá và nhiệt độ trên nhiệt kế vẫn còn dưới 4-5°C thì thực phẩm vẫn còn dùng được. Cẩn thận hơn có thể kiểm tra từng gói đồ ăn, nếu chúng vẫn còn dính băng đá hoặc dưới 4-5°C có thể tiếp tục giữ lạnh những gói thức ăn này hay đem nấu.

Giữ thực phẩm an toàn trước khi mất điện

Theo TS Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam, trong điều kiện lũ lụt, vi sinh vật phát triển, ô nhiễm môi trường dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm xảy ra. Do đó, người dân chú ý ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh. Thực phẩm phải bảo quản có bao bì, tránh nước lũ tiếp xúc trực tiếp. Ở những vùng lũ mất điện, thực phẩm trong tủ lạnh không còn an toàn, nên kiểm tra kỹ từng gói thực phẩm xem có mùi, màu sắc lạ hay không.

Thịt xay, thái lát; gia cầm; các loại cá; động vật có vỏ rất dễ hỏng khi không bảo quản ở môi trường lạnh. Một số vi khuẩn sản sinh ra độc tố không bị tiêu diệt khi nấu chín và có thể gây ngộ độc. Vì vậy, người dân nên loại bỏ các loại thực phẩm này.

Trong điều kiện lũ lụt, người dân chú ý ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong điều kiện lũ lụt, người dân chú ý ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm.

TS Từ Ngữ cũng lưu ý, nguồn nước dùng chế biến thực phẩm cũng phải đảm bảo, được sát khuẩn, làm sạch theo khuyến cáo. Không dùng đồ hộp đã hết hạn sử dụng, phồng, có mùi lạ, nếu người dân đang ở vùng lũ, nên để thực phẩm lên cao hơn mực nước, bảo quản trong hộp, bao bì tốt.

“Sau khi nước rút, cần vệ sinh sạch sẽ, rửa khử trùng các loại bát đĩa, dao thớt, nồi niêu đã tiếp xúc với nước lũ; thực hiện ăn chín, uống sôi. Mỗi gia đình nấu vừa đủ ăn, không để thức ăn thừa lưu trữ qua bữa khác; khử trùng tiêu độc nguồn nước, môi trường xung quanh.

Người dân không mua các thực phẩm không đảm bảo như thịt thâm đen, thịt trâu bò chết trong lũ, rau củ quả dập, nát; rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sát khuẩn sau tiếp xúc với thực phẩm sống và trước bữa ăn” - TS Từ Ngữ khuyến cáo.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khi không có điện, tủ lạnh có khả năng vẫn giữ được nhiệt độ đủ an toàn cho thực phẩm trong khoảng 4 giờ nếu tủ luôn đóng. Thực phẩm trong ngăn đá sẽ giữ được độ lạnh 1 giờ nếu chỉ chứa đầy một nửa và có thể lên tới 2 giờ nếu ngăn đá chứa đầy thực phẩm (càng nhiều thực phẩm trong ngăn đá, hơi lạnh càng giữ được lâu).

Tuy nhiên, người dân không nên kiểm tra nhiệt độ thực phẩm thường xuyên vì việc mở tủ sẽ làm mất hơi lạnh và làm tăng nhiệt độ bên trong tủ, từ đó sẽ rút ngắn thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ khi bị mất điện.

Viện Y học Ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, nếu tình trạng mất điện kéo dài vài ngày, thì việc sử dụng đá khô hoặc đá khối cho tủ lạnh hoặc ngăn đá là cần thiết để bảo quản các loại thực phẩm dễ hư hỏng ở nhiệt độ an toàn.

Theo các chuyên gia, để giữ thực phẩm an toàn trước khi mất điện, nên xếp thịt cùng với nhau, sắp gọn vào một bên của ngăn đá hoặc khay, để nếu thịt bắt đầu rã đông, thì nước thịt (có thể sẽ chứa vi khuẩn) sẽ không chảy xuống các thực phẩm khác.

Nhiều người quan niệm, thực phẩm mua về tích trữ vào tủ lạnh sẽ dùng được lâu nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Trong thiên tai mưa bão, việc tích trữ được khuyến cáo áp dụng nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, đảm bảo an toàn và dinh dưỡng. Bởi nếu không biết bảo quản, phân loại, chiếc tủ lạnh trở thành môi trường mất an toàn thực phẩm nhất.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội)

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xu-ly-thuc-pham-trong-tu-lanh-mat-dien-o-vung-lu-the-nao.html