Xử lý tồn tại xây dựng - đô thị ở Hà Nội mới chỉ 'nóng' trên giấy?

Nhiều dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị vẫn 'nóng' ở văn bản, gây ra tình trạng lãng phí.

Dự án nhà ở cho sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Dự án nhà ở cho sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Từ dự án được kỳ vọng đáp ứng chỗ ăn ở cho hàng chục nghìn sinh viên Thủ đô đến cải tạo, lát đá vỉa hè cho người đi bộ… liên tục được cơ quan Trung ương đến thành phố Hà Nội đề nghị, chỉ đạo kiểm tra, xử lý tồn tại. Tuy nhiên nhiều dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị vẫn “nóng” ở văn bản, gây ra tình trạng lãng phí.

Nhà ở sinh viên bỏ hoang, lãng phí lớn

Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ đầu quý I năm 2015. Dự án nhằm giải quyết vấn đề ăn ở cho hàng nghìn sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố. Vậy nhưng đến nay, số lượng sinh viên đến đăng ký ở vẫn thưa vắng.

Mới đây (ngày 6/12), Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị triển khai xử lý tồn tại dự án nhà ở học sinh sinh viên (HS - SV) tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Theo Bộ Xây dựng, ngày 31/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2217/QĐ-TTg phê duyệt danh mục nhà ở cho học sinh, sinh viên TP Hà Nội. Trong đó, có dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai).

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 - 2/2015 với các hạng mục nhà A1, A5, A6 có quy mô 108.307m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 10.800 học sinh, sinh viên. Trong đó, các nhà A1, A5, A6 đã hoàn thiện đưa vào sử dụng (Nhà A1: 4.032 sinh viên, Nhà A5: 4.032 sinh viên, Nhà A6: 2.736 sinh viên).

Các nhà A2, A3 hiện đã xây xong phần thô đang tạm dừng triển khai do đã hết nguồn vốn; nhà A4 không triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo số 144/BC-CP ngày 19/4/2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi 3 hạng mục nêu trên (A2, A3, A4) tại dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về việc chuyển đổi 3 hạng mục nói trên tại văn bản số 2970/TTKQH-KT ngày 17/7/2019 của Tổng Thư ký Quốc hội. “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục công trình thuộc dự án này thực chất là điều chỉnh dự án đầu tư. Luật Đầu tư công (Khoản 2 Điều 46) quy định cấp có thẩm quyền quyết định dự án sẽ thực hiện việc điều chỉnh dự án.

Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7019/VPCP-CN ngày 08/8/2019 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: UBND TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 2970/TTKQH-KT để điều chỉnh dự án và chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục công trình (A2, A3, A4) thuộc dự án theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng và nhà ở…”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Theo Bộ Xây dựng, trước đó báo chí có phản ánh về dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sau nhiều năm xây dựng bỏ hoang gây lãng phí.

Cụ thể, dự án gồm 6 khối nhà được triển khai từ năm 2009 đến nay mới có 2 khối được đưa vào sử dụng, 4 khối khác đang bị bỏ hoang. Đa số các tòa nhà mới xây xong phần thô, hiện các tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng; chưa có ý thức sửa sai tại công trình làm chưa chuẩn, gây lãng phí kéo dài…

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành tại địa phương khẩn trương xử lý những tồn tại của dự án nhà ở sinh viên thuộc khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 7019/VPCP-CN ngày 08/8/2019.

Theo tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ, dự án nhà ở học sinh sinh viên tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Có thể nói, việc xây dựng khu nhà ở dành cho HS-SV Pháp Vân - Tứ Hiệp là nỗ lực lớn của Hà Nội và các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên các trường đại học đang thiếu chỗ ăn ở có nơi ở khang trang, sạch sẽ, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt phục vụ cho việc học tập.

Tuy nhiên, trong khi hàng nghìn chỗ ở còn bỏ trống tại khu nhà ở này mà hàng nghìn sinh viên vẫn đang phải thuê trọ tại nhà dân với giá cao là rất lãng phí. Bởi vậy, nếu không có giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, e rằng tình trạng đìu hiu ở khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên sẽ khó cải thiện.

TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý các dự án lát đá vỉa hè.

TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý các dự án lát đá vỉa hè.

Chỉ đạo của UBND Hà Nội có... nằm trên giấy?

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, HĐND TP Hà Nội sáng 7/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng khẳng định: Năm 2022, thành phố đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí Thư thành ủy Hà Nội thẳng thắn, chỉ rõ các tồn tại, yếu kém như: Ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề, quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc… “Cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc dân sinh ngay từ cơ sở”, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng nói.

Như GD&TĐ trước đó đã có loạt bài viết về việc nhiều tuyến đường phố của Thủ đô như: Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Giảng Võ, Xuân Thủy… đang được thi công cải tạo, lát lại đá vỉa hè. Nhiều tuyến được cho là lát “đá vĩnh cửu”. Nhưng cái gọi là “vĩnh cửu” chưa thấy đâu mà chỉ thấy đá lát sau một thời gian đã lún nứt.

Sau khi GD&TĐ có loạt bài viết trên, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường quản lý các dự án lát đá vỉa hè.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện Văn bản số 1385 ngày 08/4/2019 của UBND TP về việc chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận và văn bản đề nghị của Sở Xây dựng số 8258 ngày 10/11/2022.

Cùng với đó, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè. Đồng thời, kiểm tra rà soát thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình theo phân cấp, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Người dân Hà Nội mong rằng những chỉ đạo cụ thể, “nóng bỏng” này của lãnh đạo UBND TP Hà Nội sẽ được thực thi một cách nghiêm túc, không “đánh trống bỏ dùi”, không chỉ là... chỉ đạo “trên giấy”.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xu-ly-ton-tai-xay-dung-do-thi-o-ha-noi-moi-chi-nong-tren-giay-post618051.html