Xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp

Trong những năm qua Công ty Điện lực Nam Định đã phối hợp với Sở Công thương và cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm đảm bảo hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Công trình lưới điện cao áp do Công ty Điện lực Nam Định quản lý bao gồm hệ thống các máy biến áp và đường dây từ 22kV đến 110kV nằm phân bổ đồng đều trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lưới điện 22kV dài 2.013km, lưới điện 35kV dài 394km, lưới điện 110kV dài 200km và 12 máy biến áp tổng công suất 776MVA. Nguồn điện cao áp này truyền tải qua 13.685km đường dây và 3.580 trạm biến áp hạ thế để cung ứng điện đến các cơ quan, từng cơ sở sản xuất và mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong những năm qua Công ty Điện lực Nam Định đã phối hợp với Sở Công thương và cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm đảm bảo hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn, cung ứng điện ổn định phục vụ nhiệm vụ chính trị, sản xuất, đời sống của nhân dân.

Công ty Điện lực Nam Định kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Trong công tác tuyên truyền, Công ty Điện lực Nam Định và Sở Công thương đã tích cực phối hợp Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống đài phát thanh, truyền thanh cơ sở tổ chức tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn điện nói chung cũng như bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp nói riêng. Bên cạnh đó, hàng năm ngành Điện tổ chức in ấn, phát hành hàng vạn tờ rơi, căng treo hàng trăm băng rôn, áp phích có nội dung về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại một số địa phương có lưới điện cao áp đi qua. Với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã có các văn bản hướng dẫn, triển khai biện pháp bảo vệ hành lang an toàn điện; phân định rõ trách nhiệm giữa đơn vị quản lý lưới điện cao áp và cơ quan quản lý Nhà nước, UBND các cấp, các ngành liên quan. Sở Công thương định kỳ tổ chức đào tạo lực lượng kiểm tra viên điện lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện; hướng dẫn việc ký biên bản thỏa thuận về các biện pháp đảm bảo an toàn giữa các đơn vị quản lý lưới điện và các chủ công trình, dự án đầu tư xây dựng có ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp; phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định rõ các điểm, hình thức, mức độ, đối tượng vi phạm, đề ra những biện pháp xử lý phù hợp. UBND các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở rộng hình thức tuyên truyền, xử lý vi phạm về bảo vệ an toàn lưới điện, đặc biệt trong mùa nắng nóng, mùa mưa bão.

Với biện pháp ngăn chặn phát sinh và giải quyết vi phạm, Công ty Điện lực Nam Định và các cơ quan hữu quan xác định việc xử lý vi phạm quy định bảo vệ an toàn lưới điện cao áp là việc rất khó khăn, phức tạp. Phần lớn những vi phạm đều là xây dựng nhà cửa, công trình trong hành lang bảo vệ của lưới điện cao áp. Do đó, để ngăn chặn những vi phạm phát sinh, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, ngành Điện đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các nguy cơ dẫn đến vi phạm; phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan ngăn chặn kịp thời những vi phạm phát sinh. Với những dự án đầu tư xây dựng mới có ảnh hưởng đến công trình điện cao áp, Sở Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư lập hạng mục di dời đường dây ra khỏi khu vực thực hiện dự án; triển khai cải tạo, nâng cấp lưới điện theo quy định an toàn; thực hiện ký biên bản thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm an toàn giữa đơn vị quản lý điện và chủ đầu tư công trình dự án. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những vụ vi phạm đã có từ lâu, tính chất phức tạp, xuất phát từ nguồn gốc sử dụng đất, không thể xử lý bằng biện pháp cải tạo đường dây và công trình điện nên không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành mà còn rất dễ gây mất an toàn cho người dân sinh sống, làm việc dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành nên tình trạng vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh đang từng bước giảm thiểu. Năm 2010, khi ngành Điện mới tiếp nhận hệ thống lưới điện nông thôn, toàn tỉnh có 255 vụ vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp; năm 2015 số vụ vi phạm giảm xuống còn 111 vụ và hiện nay tổng số vi phạm chỉ còn 10 vụ. Các vụ vi phạm đang tồn tại phần lớn tập trung ở lưới điện 110kV với 8 vụ, còn lại nằm trong hành lang công trình điện 22kV. Từ nay đến cuối năm 2019, ngành Điện đã xây dựng phương án phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm 2 vụ vi phạm nằm trên địa bàn các huyện Hải Hậu, Nam Trực. Các điểm vi phạm còn lại do mức độ vi phạm phức tạp nên ngành Điện dự kiến xử lý từng bước từ năm 2020 trở đi. Bên cạnh những vụ vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm, trong 7 tháng đầu năm nay toàn tỉnh lại xảy ra 11 vụ sự cố lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp gây nên, làm mất điện trên diện rộng kéo dài từ 10 phút đến hơn 5 giờ đồng hồ. Các vụ vi phạm tiêu biểu phải kể đến đó là ngày 15-1, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quỳnh Giao (Thành phố Nam Định) xây nhà 6 tầng để giàn giáo vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây 110kV gây sự cố mất điện 14 phút. Ngày 24-6, một hộ gia đình ở huyện Trực Ninh khi đào móng nhà đã để máy xúc móc vào cáp ngầm gây mất điện 4 giờ đồng hồ. Ngày 19-7, máy công trình hoạt động trên công trường xây dựng ở huyện Mỹ Lộc đã mắc vào 3 pha của đường dây cao thế 471 E3.14 gây mất điện hơn 5 giờ đồng hồ...

Trong thời gian tới, để đảm bảo hoạt động an toàn đối với lưới điện trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Nam Định, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; đồng thời tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về đảm bảo an toàn hệ thống điện, góp phần tích cực chung sức cùng với ngành Điện cung ứng điện an toàn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201908/xu-ly-vi-pham-hanh-lang-an-toan-luoi-dien-cao-ap-2532252/