Xử lý vi phạm hành lang an toàn thủy lợi

Vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động tưới, tiêu phục vụ sản xuất, mà còn gây mất an toàn công trình và phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), từ năm 2018 đến nay, chính quyền các địa phương đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xử lý 90/244 vụ vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, có 2/90 vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi (theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ), còn lại là buộc tháo dỡ và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của công trình.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Võ Đoàn cho biết, các vụ vi phạm tập trung ở việc lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên hành lang công trình thủy lợi, hoặc xây cầu trái phép bắc qua sông, kênh thủy lợi, gây cản trở dòng chảy làm mất an toàn công trình, cũng như ảnh hưởng đến tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm thì thời gian qua, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã tập trung lập phương án cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với 11 công trình đập, hồ chứa nước. Qua đó, vừa hạn chế tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, vừa giúp lực lượng chức năng thuận lợi hơn trong việc xử lý những vi phạm.

Trồng cây và dựng lán trại chăn nuôi gia cầm trong phạm vi an toàn công trình thủy lợi xảy ra phổ biến trên nhiều tuyến kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham. Ảnh: TRẦN MỸ

Trồng cây và dựng lán trại chăn nuôi gia cầm trong phạm vi an toàn công trình thủy lợi xảy ra phổ biến trên nhiều tuyến kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham. Ảnh: TRẦN MỸ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, công trình thủy lợi nằm xen kẽ trong khu dân cư và bờ kênh được kết hợp làm đường giao thông, nên việc xây dựng các công trình tạm, cầu thô sơ qua kênh, làm hàng rào, trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Còn chính quyền một số địa phương thì chủ quan, lơ là, nể nang và né tránh xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Ngoài ra, một số văn bản của các cấp, ngành ban hành về lĩnh vực này còn chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn cho cơ sở khi triển khai, nhất là quy trình thủ tục, thẩm quyền cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, hình thức xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chứ ít xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

Chấn chỉnh tình trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn 2271 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, đảm bảo chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như an toàn công trình trong mùa mưa, lũ 2024.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức thống kê, phân loại, đánh giá tình hình cũng như mức độ ảnh hưởng của các vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, cần làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ngoài ra, cần rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, qua đó kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định... Đồng thời, tăng cường cắm mốc giới trên thực địa và công bố công khai trước khi bàn giao cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý.

TRẦN MỸ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202406/xu-ly-vi-pham-hanh-lang-an-toan-thuy-loi-6c511e6/