Xử lý vi phạm nồng độ cồn, không có vùng cấm, ngoại lệ
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã và đang kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, với phương châm xử lý không có vùng cấm, không ngoại lệ.
Thời gian qua, công tác này đã được thực hiện nghiêm minh, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), đến hết tháng 9/2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 500 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông nhận thấy, vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông.
Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp Văn phòng Bộ Công an, Cục Công tác đảng và Công tác chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động triển khai sáu tổ công tác phối hợp công an các đơn vị, địa phương, trực tiếp thực hiện việc kiểm soát, phát hiện vi phạm về nồng độ cồn trên tinh thần “không vùng cấm, không ngoại lệ”.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tổ công tác lựa chọn tuyến đường trọng điểm, thời gian phù hợp để tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn và nhanh chóng, không gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Qua hơn một tháng triển khai, các tổ công tác đã trực tiếp kiểm soát hơn 150 nghìn phương tiện, phát hiện, lập biên bản, xử lý hơn 5.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bàn giao cho công an các đơn vị, địa phương xử lý theo quy định.
Trong số này, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 200 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, công chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đang công tác hoặc đã về hưu, nhà báo...
Điển hình là tối 18/9, Tổ công tác cảnh sát giao thông dừng ô-tô do ông L.H.Q. điều khiển để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, liên tục gọi điện thoại và đòi tổ công tác nghe điện thoại.
Cán bộ cảnh sát giao thông từ chối sự “cứu viện” này, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính lỗi “không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn”, có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng. Qua xác minh, ông L.H.Q. là Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Hay rạng sáng 23/9, tại ngã tư Nguyễn Hoàng-Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tổ công tác kiểm tra chéo địa bàn Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 12, Công an thành phố Hà Nội, phát hiện ô-tô do ông P.T.A., sinh năm 1976, ở Hà Nội điều khiển có biểu hiện nghi vấn cho nên đã yêu cầu dừng xe.
Qua kiểm tra, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,4 mg/lít khí thở, không có giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã hết hạn. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xác minh tại địa phương, ông P.T.A. là trưởng công an một phường trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội...
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: Đối với các trường hợp là cán bộ, công nhân, viên chức vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc xử lý theo quy định, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Quá trình kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế do có hơi men đã không làm chủ được hành vi, có thái độ, lời nói thậm chí là hành động không chuẩn mực đối với lực lượng thi hành công vụ.
Đối với những trường hợp như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ củng cố hồ sơ và phối hợp cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự đối với các đối tượng nêu trên. Đây là biện pháp rất hiệu quả nhằm giảm vi phạm về nồng độ cồn nói riêng và vi phạm trật tự, an toàn giao thông nói chung.
Công tác triển khai xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng qua con số thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 1,2 triệu trường hợp vi phạm, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người vi phạm nồng độ cồn giảm 20%, số người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng giảm 25%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 1,2 triệu trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người vi phạm nồng độ cồn giảm 20%, số người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng giảm 25%.
Đối với những người đã vi phạm luật còn có hành vi chống đối người thi hành công vụ cũng đã được các cơ quan chức năng phối hợp, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nhằm tăng tính răn đe, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ.
Điển hình là ngày 29/9, Cục Cảnh sát giao thông thông tin Công an thành phố Hải Dương đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự đối với bị can Trần Mạnh Hùng, tài xế vi phạm nồng độ cồn kịch khung (mức 0,698 mg/lít khí thở), chống đối giật lại giấy tờ, dùng tay đấm vào Cảnh sát giao thông.
Ngày 28/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Ngọc, cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam-Chi nhánh Tiên Sơn, thành phố Từ Sơn, sinh năm 1968, trú tại thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh, về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, ngày 8/9, Tổ tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiệm vụ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn tại khu vực phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh đã dừng xe ô-tô của ông Lê Ngọc để kiểm tra nồng độ cồn, tuy nhiên lái xe không chấp hành, còn dùng tay gạt máy đo nồng độ cồn, có lời lẽ xưng hô “mày, tao” với lực lượng thực thi nhiệm vụ, đấm thẳng vào một cán bộ trong tổ công tác.
Ngay sau đó, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện. Ngày 18/9, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh để tiến hành xử lý đối với cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo quy định.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, kế hoạch phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông giữa Cục và công an các địa phương kết thúc vào ngày 15/10. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý không dừng lại mà vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện. Điều này sẽ tạo nền nếp, thói quen cho người tham gia giao thông trên tinh thần đã uống rượu bia là không lái xe, từ đó cũng giúp người dân tuân thủ, chấp hành luật an toàn giao thông một cách nghiêm túc hơn.