Xử lý vi phạm về tiếng ồn: Liệu có buông lỏng quản lý?
Nếu như các vấn đề ô nhiễm về môi trường, khí thải, nước thải đang ngày càng được quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ thì bên cạnh đó, tiếng ồn – một loại ô nhiễm vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Dù là một thành phố có mật độ dân số không quá cao so với các đô thị lớn trong nước nhưng tại thành phố Lào Cai, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trở nên phổ biến khiến chất lượng cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Chị Chu Thị Hải Yến, phường Kim Tân hiện đang vận hành một khách sạn 3 sao nằm bên bờ sông Hồng có view khá đẹp. Bởi vậy, khách sạn là một trong những địa điểm thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đặt phòng khi tới Lào Cai. Thế nhưng, theo chị Yến, từ khoảng năm 2018, gần khách sạn của chị có một trung tâm thể dục thẩm mỹ được đưa vào hoạt động và thường xuyên bật nhạc với công suất rất lớn. Dù khách sạn đã đầu tư xây dựng hệ thống cách âm nhưng vấn đề tiếng ồn gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của khách sạn. Âm thanh của phòng tập này lớn tới mức khi đặt tay lên tường vẫn cảm nhận rõ nhịp đập của những chiếc loa công suất lớn. Điều đáng nói là phòng tập này thường xuyên mở cửa, bắt đầu hoạt động theo các ca, ca sớm nhất từ 5 giờ sáng tới ca muộn nhất là 22 giờ. Điều đó khiến người dân xung quanh bức xúc trong nhiều năm, đã có nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu điều chỉnh mức nhạc nhưng “đâu lại vào đó”.
Cũng theo chị Yến, vấn đề về tiếng ồn từ phòng tập này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của khách sạn cũng như chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh với tổ dân phố nhưng không được xử lý triệt để. “Cực chẳng đã”, chị Yến từng nhiều lần làm đơn, từ nặc danh tới chính danh gửi tới phường Kim Tân và một số cơ quan của thành phố Lào Cai nhưng cũng chưa nhận được phản hồi. Cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động cho tới ngày 1/3 gần đây mới đang tạm dừng.
Khi ghi nhận tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại đây, rất nhiều người dân có chung bức xúc với chị Yến. Trong đó, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ uống (xin phép giấu tên) cho rằng: “Chúng tôi chỉ biết rằng rất ồn, ảnh hưởng rất lớn đến không gian riêng tư của khách hàng, của nhân viên cũng như người dân xung quanh nhưng ồn ở mức độ như thế nào thì chúng tôi không đánh giá được, vì âm thanh mà, không nhìn thấy, không sờ được, chúng tôi lại không có máy móc, thiết bị để đo. Phản ánh với tổ dân phố, với phường nhưng cũng không thấy đoàn công tác nào đến đo mức độ gây ồn”.
Trung tâm thể dục thẩm mỹ tại phường Kim Tân chỉ là một trong rất nhiều những nguyên nhân gây tiếng ồn khiến chất lượng cuộc sống người dân đô thị bị ảnh hưởng. Bên cạnh tiếng ồn giao thông, những chiếc loa kéo hát rong, bán hàng rong trong đô thị hay hát karaoke gia đình cũng là vấn đề khiến người dân đô thị bức xúc. Không chấp hành khung thời gian cũng như mức âm thanh theo quy định là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống cách âm của nhiều gia đình bị “vô hiệu hóa”.
Ông Nguyễn Duy Hiểu, Tổ trưởng tổ dân phố 25, phường Kim Tân chia sẻ: “Như một sự tra tấn vậy! Chúng tôi ở khu phố đông dân cư, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh nên thường xuyên chịu cảnh ồn ào quá mức. Có những gia đình ban ngày họ đi làm, tối về cần được nghỉ ngơi nhưng âm thanh rất lớn, không thể chịu nổi. Ảnh hưởng lớn nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi”.
Liên quan tới vấn đề về tiếng ồn tại phường Kim Tân, bà Nguyễn Thị Bích Liên, công chức địa chính, đô thị, xây dựng và môi trường của phường cho biết: Phường Kim Tân đã tiếp nhận được thông tin về tiếng ồn tại cơ sở thể dục thẩm mỹ gây ảnh hưởng tới người dân và đã có đoàn công tác tới kiểm tra, nhắc nhở cơ sở này. Tại buổi kiểm tra thì cơ sở này có cam kết sẽ khắc phục cũng như xin phép hoạt động tới ngày 13/2. Sau đó, cơ sở này tiếp tục trao đổi và xin phép hoạt động đến hết 28/2 theo giấy phép kinh doanh sau đó sẽ dừng hoạt động để chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ khác.
Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ 25/8/2022. Tại Mục 2.1 (Thông tư 39/2010/TT-BTNMT) về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) là: 55dBA (từ 6 h - 21 h) và 45dBA (21 h - 6 h).
Còn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6 - 21 h) và 55dBA (21 h - 6 h). Nếu vượt mức quy chuẩn cho phép, cá nhân có thể bị phạt nhẹ nhất là cảnh cáo và cao nhất là phạt 160 triệu đồng.
Để làm rõ hơn về quy trình tiếp nhận thông tin cũng như xử lý các vi phạm về tiếng ồn trong đô thị, phóng viên đã liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lào Cai, tuy nhiên, đơn vị này hiện chưa có phản hồi chính thức về những nội dung có liên quan.
Tùy theo không gian, thời gian, lứa tuổi, tình trạng sức khỏe mà âm thanh có những ảnh hưởng khác nhau từ tích cực tới tiêu cực. Tuy vậy, đã có những quy định chung cũng như có đầy đủ các căn cứ pháp lý để có thể xử phạt các trường hợp vi phạm về âm thanh trong khu dân cư. Thế nhưng, thời gian qua, có thể thấy việc tiếp nhận cũng như xử lý các vi phạm trong vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trường hợp gây tiếng ồn trong khu dân cư dù đã có phản ánh nhiều lần nhưng chưa được địa phương cũng như cơ quan chuyên môn vào cuộc xử lý kịp thời. Việc buông lỏng quản lý khiến người dân phải “cắn răng” chịu đựng, chấp nhận tiếng ồn như một phần của đô thị dù đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc chung của rất nhiều người.