Xử lý vụ 780kg khẩu trang phế liệu
Liên quan đến vụ việc phát hiện số lượng lớn khẩu trang phế liệu, ngày 3/3, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết đã chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh để tham mưu UBND huyện xử lý theo thẩm quyền.
Theo đó, lúc 17 giờ 30 ngày 28-2, Công an xã Vĩnh Lộc B tiếp nhận tin báo tại địa chỉ C8/39, tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B xảy ra vụ việc tiếp nhận chất thải rắn thông thường không đúng quy định. Lập tức cơ quan Công an và cán bộ môi trường đến hiện trường lập biên bản về hành vi trên.
Qua làm việc với chủ cơ sở này là ông Sỳ Nhộc Pẩu (sinh năm 1971, thường trú tại quận Tân Phú), cho biết thuê địa điểm trên làm nơi chứa hàng và ngày 26/2 có mua 960kg khẩu trang y tế, bịch nilông, giấy vụn... giá 9.000 đồng/kg của một phụ nữ (không rõ lai lịch) tại ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B. Sau đó, ông Pẩu phân loại được 780kg khẩu trang định bán cho các xưởng ó keo (tạo hạt nhựa) thì bị Công an xã phát hiện.
Nhận thấy vụ việc trên thuộc thẩm quyền xử lý của UBND xã Vĩnh Lộc B, Công an xã đã chuyển hồ sơ đến UBND xã Vĩnh Lộc B xử lý theo thẩm quyền.
Theo cơ quan chức năng, ông Pẩu hoạt động sản xuất kinh doanh (mua phế liệu) mà không có giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh; khẩu trang phát hiện chỗ ông Pẩu là hàng hư, hàng lỗi, không phải khẩu trang đã qua sử dụng, nên xem xét xử lý ông Pẩu về hành vi tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường không đúng quy định.
Sáng 2/3, số chất thải rắn công nghiệp thông thường phát hiện tại nơi ở của ông Pẩu đã được công ty môi trường có chức năng xử lý chất thải đem đi xử lý. Khối lượng chất thải tổng cộng ghi nhận là 1.270kg (trong đó khối lượng khẩu trang là 780kg, số còn lại là giấy vụn, nilông, vỏ lon bia, vải vụn).
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc B, do ông Pẩu tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000kg đến dưới 2.000kg thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND huyện Bình Chánh, UBND xã kiến nghị UBND huyện xử lý hành vi “chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg” (căn cứ theo nghị định 155/2016 của Chính phủ).