Xử lý vụ bê bối giáo dục: Hà Giang có giơ cao đánh khẽ?

Bình luận về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, chủ trương phòng chống tham nhũng là 'không có vùng cấm' nhưng cách xử lý mà UBKT Tỉnh ủy Hà Giang đưa ra lại 'có vùng rón rén'.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên - Ảnh: Infonet

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên - Ảnh: Infonet

Vừa qua, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có Thông báo số 307 - TB/UBKTTU về việc xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Tổng số cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm là 151 trường hợp.

Trong đó, số cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải kỷ luật 46 trường hợp (3 trường hợp buộc khai trừ Đảng, cảnh cáo 1 trường hợp và khiến trách 42 trường hợp); số cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật, phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm 29 trường hợp; số cán bộ, đảng viên kiểm tra nhưng không có khuyết điểm, vi phạm 1 trường hợp.

Bình luận về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, chủ trương phòng chống tham nhũng là “không có vùng cấm” nhưng cách xử lý mà UBKT Tỉnh ủy Hà Giang đưa ra lại “có vùng rón rén”.

Bà Hiền cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ngay cả việc xử lý sai phạm hiện cũng đang gây bức xúc trong xã hội.

“Tại sao Hà Giang cũng là một trong số những địa phương dính bê bối thi cử như Sơn La, Hòa Bình nhưng các địa phương trên đã có những xử lý rất rõ ràng, nhanh chóng, còn Hà Giang sao lại xử lý vừa chậm vừa không thỏa đáng so với sai phạm và tính chất phức tạp của vụ việc”, bà Hiền nêu câu hỏi.

Đại biểu này cho rằng, qua kết luận của UBKT Tỉnh ủy Hà Giang cho thấy cách xử lý kỷ luật đã có phần nể nang khi có rất nhiều cán bộ đảng viên chỉ bị khiển trách hoặc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Điều này có thể dễ dàng nhận ra việc “giơ cao đánh khẽ” trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Chỉ việc sử dụng văn phong, câu từ thôi đã cho thấy rõ điều đó. Bà Hiền cho rằng hình thức xử lý này sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của người dân, phụ huynh, học sinh ở địa phương đó.

“Nếu những địa phương có sai phạm nhưng xử lý nghiêm thì chắc chắn các em học sinh vẫn có niềm tin vào sự công bằng. Còn với địa phương xử lý kiểu nhẹ nhàng, giơ cao đánh khẽ sẽ càng khiến các em học sinh mất đi sự tin tưởng vào thi cử, giáo dục. Đồng ý rằng, liên quan đến sai phạm có tính tập thể như thế này cần phải làm thận trọng, nhưng việc thận trọng không đồng nghĩa với sự nể nang, dè dặt trong việc đưa ra hình thức kỷ luật”, bà Hiền nói và cho biết, rất nhiều ý kiến của cử tri đã gọi cho bà và bày tỏ việc xử lý sai phạm ở Hà Giang thiếu sự quyết liệt, thiếu thẳng thắn, thông báo của cơ quan chức năng không thỏa đáng với dư luận xã hội.

Trong danh sách 27 cán bộ, đảng viên không bị áp dụng hình thức kỷ luật, họ đều giữ vị trí quan trọng trong công tác giáo dục, bảo vệ pháp luật của địa phương, nhưng họ và người thân của họ đã có những sai phạm nghiêm trọng thì cần phải xem lại trách nhiệm của mình.

Bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh và thực hiện của cơ quan kiểm tra trong việc xử lý trên là không có vùng cấm.

“Quan điểm là thẩm tra, xác minh được đến đâu, phát hiện lỗi vi phạm của cán bộ, đảng viên như thế nào sẽ xem xét xử lý hết theo đúng quy định Đảng, tinh thần công tác kiểm tra Đảng. Chúng tôi khẳng định, việc xử lý không có vùng cấm và không có khó khăn hay người này phải xử lý thế này, người kia thế kia...", bà Oanh nói.

Báo chí cũng thông tin, trước đó, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang đã thu được vật chứng là mẩu giấy khổ 10x9cm có ghi “P.T.H.Tr, SBD: 070389; P 17; HĐT Hùng An (Lão Phật gia nhờ)”. Người nhắn nhờ Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT) có ghi biệt danh “lão Phật gia nhờ”. Tuy nhiên, kết luận điều tra lại không làm rõ “lão Phật gia” là ai.

Về vấn đề này, ĐB Minh Hiền nêu quan điểm, điều tra là công tác đặc thù, có nhiều công đoạn, tình tiết chưa thể công bố, tuy nhiên, đã liên quan đến vụ việc tiêu cực và dư luận đang trông chờ điều tra thì không có lý do gì để giấu diếm. Nếu không điều tra đến nơi đến chốn thì sẽ gây hệ lụy rất lớn.

“Những điều cần công khai thì phải công khai, rõ ràng. Để không có vùng cấm thì không nên giấu diếm, còn nếu vẫn giấu diếm thì rõ ràng cơ quan chức năng đã xử lý không tới nơi tới chốn”, bà Hiền nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/xu-ly-vu-be-boi-giao-duc-ha-giang-co-gio-cao-danh-khe-122648.html