Xử lý 'xe dù' trong hoạt động vận tải hành khách
Những năm qua, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh về phương tiện, luồng tuyến, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân; chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phương tiện cá nhân tăng, lượng khách đi xe giảm, cùng với đó, tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe limosine hợp đồng “nở rộ” thời gian qua… Đây được cho là lý do khiến nhiều xe khách bỏ bến ra ngoài “chạy dù”, gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vận tải khách liên tỉnh.
Bài 1:
Nhiều xe khách bỏ bến để ra ngoài… “chạy dù”
Qua ghi nhận của phóng viên, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 20.9, tại cổng Bến xe khách Hưng Yên (thành phố Hưng Yên), xe ô tô khách mang biển kiểm soát 89B – 001.15 tuyến Hưng Yên – Sơn Động (Bắc Giang) của Chi nhánh Hưng Yên - Công ty cổ phần ô tô vận tải hành khách Hải Hưng thực hiện việc đón khách, xếp hàng hóa nhưng không vào bến để xác nhận lệnh vận chuyển. Sau khi dừng đón khách tại cổng Bến xe khách Hưng Yên, xe ô tô khách mang biển kiểm soát 89B – 001.15 quay ngược trở lại theo hướng Hưng Yên – Phố Nối để thực hiện đón khách.
Xe ô tô khách mang biển kiểm soát 89B – 001.51 đón khách, xếp hàng hóa nhưng không vào bến để xác nhận lệnh vận chuyển. Ảnh chụp lúc 5h30 ngày 20.9.2022
Tương tự, khoảng 6 giờ ngày 21.9, tại cổng Bến xe khách Hưng Yên, xe ô tô khách mang biển kiểm soát 89B – 001.51 tuyến Hưng Yên – Đồng Đăng (Lạng Sơn) của Công ty TNHH Vận tải hành khách Phù Cừ cũng đón khách, xếp hàng hóa nhưng không vào bến để xác nhận lệnh vận chuyển. Đây là 2 trong số những phương tiện của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh nhưng không vào bến để xác nhận lệnh vận chuyển do Ban Điều hành vận tải và Kiểm tra tải trọng xe (Sở Giao thông vận tải) thống kê trong tháng 9. Qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình, từ đầu tháng 9 đến nay, Ban Điều hành vận tải và Kiểm tra tải trọng xe đã phát hiện, lập danh sách 15 phương tiện của các đơn vị vận tải như: Công ty cổ phần Du lịch vận tải Trường An (Yên Mỹ); Công ty TNHH Vận tải hành khách Xuân Chính (Ân Thi)… không đến bến xe để xác nhận lệnh vận chuyển nhưng vẫn hoạt động.Ông Trương Xuân Bá, Phó Giám đốc Ban Điều hành vận tải và Kiểm tra tải trọng xe cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài “chạy dù” đang có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm đến nay, tại Bến xe khách Hưng Yên, một số doanh nghiệp vận tải hành khách xin giảm tần suất hoạt động từ 20 đến 40%. Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến tại các bến xe Ân Thi, La Tiến… Trong khi đó, qua thiết bị giám sát hành trình, Ban Điều hành vận tải và Kiểm tra tải trọng xe phát hiện nhiều xe bỏ bến, ra ngoài “chạy dù”. Số xe này vẫn vận chuyển hành khách nhưng không đến bến xe để xác nhận lệnh vận chuyển, hoạt động như “xe dù”, thực hiện việc đón, trả khách tự do trên đường hoặc tại các văn phòng đại diện, bất chấp quy định cấm đón trả khách.Theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15.4.2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, khi hoạt động, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt phải bảo đảm những yêu cầu sau: Xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến với cơ quan quản lý có thẩm quyền; niêm yết các thông tin có liên quan về hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định. Duy trì đủ số lượng phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo đúng phương án kinh doanh đã đăng ký của đơn vị. Thực hiện đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận. Thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt. Thực hiện đúng quy định về việc ghi chép, quản lý và sử dụng, lưu trữ Lệnh vận chuyển. Thực hiện đúng quy định về việc quản lý và sử dụng phù hiệu chạy xe, bảo đảm các phương tiện của đơn vị khi đưa vào khai thác phải được cấp phù hiệu và biển hiệu theo quy định… Nếu như trong quá trình hoạt động mà không thực hiện đúng theo các quy định sẽ bị xử phạt hành chính. Thiếu tá Nguyễn Minh Khải, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ số 1, phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trường hợp người điều khiển xe khách tuyến cố định nhưng không có lệnh vận chuyển thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.