Xứ Mường đãi khách cỗ lá…
Nền văn hóa Hòa Bình cùng với đặc sản du lịch, ẩm thực cỗ lá đặc sắc được xem là những thế mạnh để giới thiệu với du khách trong những ngày hội sắp tới.
Cỗ Lá kỷ lục
Tuần Văn hóa du lịch tỉnh Hòa Bình 2019, do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức từ 6-10/12, được kỳ vọng là dịp để giới thiệu với du khách những nét văn nổi bật của địa phương, là cơ hội tôn vinh mảnh đất và con người bản địa. Nền văn hóa Hòa Bình được các học giả thế giới ghi nhận là nền văn hóa rực rỡ, tiêu biểu của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Chuỗi hoạt động diễn ra xuyên suốt tuần văn hóa: Trình diễn các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày Hòa Bình; ẩm thực, sản vật, các nghề truyền thống của Hòa Bình; Thi người đẹp xứ Mường… Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tối 6/12, tại quảng trường tỉnh Hòa Bình với chương trình nghệ thuật “Hòa Bình- miền sử thi”. Liên hoan nghệ thuật “Hòa Bình-Đất nước-Con người” với những khoảnh khắc nên thơ của hồ Hòa Bình- vịnh Hạ Long trên núi, vẻ đẹp Đồi Thung, thác Mu đa tầng, vẻ đẹp hùng vĩ của Thác Bờ, các di sản văn hóa đặc sắc khác như hát ví của người Mường, múa chuông của người Dao, múa xòe Thái.
Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, nhân họp báo chiều 25/11 tại Bộ VHTTDL, giới thiệu một trong những điểm nhấn là Liên hoan ẩm thực và trình diễn nghề truyền thống từ 7-9/12, với 11 làng nghề tiêu biểu. Khoảng 40 gian hàng đặc biệt, 13 nghệ nhân ẩm thực dân gian trình diễn và chế biến đặc sản ẩm thực Hòa Bình. Tỉnh đăng ký xác nhận kỷ lục mâm cỗ lá truyền thống dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về lo ngại các kỷ lục phản cảm thời gian gần đây, bà Niềm khẳng định: “Mâm cỗ lá đặc sắc nhất Việt Nam sẽ không xác lập ở kỷ lục về số lượng hay quy mô, mà tập trung vào tính đặc biệt trong lựa chọn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến và thể hiện cũng như thuyết minh về món ăn”.
Điểm đặc sắc ở đây chính là 11 nhóm món ăn và đồ uống với khoảng hơn 80 món chế biến từ nguyên liệu địa phương như thịt lợn, gà, cá nổi tiếng của Hòa Bình cùng với các loại rau củ quả, gia vị đặc trưng. Cỗ lá vốn là một trong những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực của người Mường. Vào những dịp lễ tết truyền thống, người Mường ở Đà Bắc (Hòa Bình) thường làm cỗ lá, bày biện theo một trật tự nhất định. Mâm cỗ lá có hình tròn được bày biện công phu, thể hiện tình cảm của con người đối với trời đất và núi rừng.
Biến "điểm nóng" thành điểm du lịch
Du khách tới Hòa Bình dịp này có thể trải nghiệm chương trình giới thiệu Di sản khoa học tại Công viên Di sản các nhà khoa học tại huyện Cao Phong, tìm về bản sắc văn hóa các dân tộc tại huyện Tân Lạc, trải nghiệm trên hồ Hòa Bình, đưa khách tham quan du lịch cộng đồng, các khu thắng cảnh và khu nghỉ dưỡng tại hồ Hòa Bình, khám phá Mai Châu, chợ phiên cuối tuần tại Pà Cò.
Du lịch Hòa Bình lâu nay được du khách biết tới nhiều ở các sản phẩm du lịch cộng đồng. Bản Văn, bản Lác, Pom Coọng là những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách, tạo sinh kế cho bà con các dân tộc. Gần đây Hòa Bình xúc tiến điểm đến giàu tiềm năng khác là Hang Kia-Pà Cò. Nhiệt độ ở khu vực này quanh năm mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi với hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Hang Kia-Pà Cò là nơi còn lưu giữ được nguyên vẹn của bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.
Năm 2019 Hòa Bình ước tính đón khoảng 3 triệu du khách, trong đó khoảng gần 400 nghìn khách quốc tế, thu khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Tỉnh có đề án đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, với mục tiêu thu hút khoảng hơn 7 triệu khách du lịch, đạt 10 nghìn phòng lưu trú 3 sao trở lên. Ông Nguyễn Văn Chương nói, phòng lưu trú hiện cũng là điểm nghẽn của du lịch tỉnh, rất cần các nhà đầu tư lớn tham gia.
Là điểm trung chuyển, cửa ngõ kết nối với khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình nhiều lợi thế về văn hóa, thiên nhiên ưu đãi, con người “dễ gần dễ thương” như lãnh đạo tỉnh tự nhận. Không trả lời thẳng vào thắc mắc về dự án du lịch tâm linh hơn 3 nghìn tỷ đồng đang chờ xin ý kiến bộ ngành và Chính phủ, lãnh đạo Hòa Bình nêu quan điểm phát triển du lịch bền vững ở Hòa Bình.
“Dựa trên cơ sở nền văn hóa đặc sắc, núi non, hệ thống suối khoáng, hang động, các cơ sở tâm linh tín ngưỡng nổi tiếng như đền Chúa Thác Bờ..., chúng tôi mong phát triển du lịch bền vững. Theo đó phải giữ vững bản sắc văn hóa, bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn môi trường để hướng tới du lịch xanh”, ông Nguyễn Văn Chương nói.
Hòa Bình xác định đưa các bản làng làm du lịch mạnh hơn nữa, biến những điểm nóng về ma túy như Hang Kia-Pà Cò thành điểm du lịch, để thay đổi sinh kế và đưa đời sống của đồng bào phát triển hơn nữa.
Xây dựng hồ sơ Mo Mường trình UNESCO
Di sản sử thi Mo Mường được Bộ VHTTDL ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho hay tỉnh có đề án tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và tiến tới 2025 hoàn thiện xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Mo Mường là di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của người Mường và có giá trị giáo dục đối với cộng đồng. Người Mường thường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ trong sinh hoạt văn hóa từ lễ cúng vía mụ cho trẻ, tới giải hạn, cưới xin, tang ma. Hiện Hòa Bình có khoảng hơn 200 nghệ nhân Mo Mường, đều ở độ tuổi trung bình trên 70. Tỉnh có những chính sách cụ thể để hỗ trợ nghệ nhân, quan tâm truyền dạy di sản.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/xu-muong-dai-khach-co-la-1490642.tpo