Xử nghiêm hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một tinh vi, phức tạp, cơ quan chức năng đang đặt ra nhiều giải pháp. Một trong số đó là xử lý nghiêm các hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay đối với các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại.

Công tác phối hợp liên ngành có ý nghĩa rất lớn trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Thu Hòa.

Công tác phối hợp liên ngành có ý nghĩa rất lớn trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Thu Hòa.

Ngày một tinh vi, phức tạp

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Ở trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

Ngoài đối mặt với những khó khăn khách quan nói trên, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước phải đối mặt với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một tinh vi, phức tạp.

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết tình trạng buôn lậu, giạn lận thương mại diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa bàn có đường biên giới. Cụ thể: tình trạng buôn lậu diễn ra tại một số địa bàn có đường biên giới như: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang.

Mặt hàng buôn lậu gồm: thuốc lá điếu, đường cát, bia, rượu, thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu, thuốc tân dược, gỗ xây dựng, gia súc gia cầm, hải sản và thủy sản.

Bên cạnh đó, các mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm gồm: ma túy, pháo nổ, động vật quý hiếm, đặc biệt có một số mặt hàng mang tính đặc thù giá trị lớn như vàng và ngoại tệ. Nhìn chung các mặt hàng buôn lậu đều có giá trị cao và thực hiện nhằm mục đích trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.

Đi cùng với hàng lậu, trong hàng lậu có hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt, trong nước hiện nay đã xuất hiện thực trạng sản xuất hàng giả với quy mô lớn.

Đơn cử như vụ việc do lực lượng chức năng Thanh Hóa kiểm tra thu giữ 4.000 thùng thực phẩm chức năng giả với hơn 100 mã hàng, trên 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả, với tổng tiền hàng hóa ước tính hơn 10 tỷ đồng. Một vụ việc điển hình khác do lực lượng chức năng TP. Hà Nội phát hiện và bắt giữ khi tổng lượng hàng hóa thành phẩm và nguyên liệu sản xuất đến 50 tấn. Mặt hàng cả 2 vụ việc trên đều là thực phẩm chức năng.

"Các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại như buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, vận chuyển, lưu chứa, kinh doanh hàng lậu, hàng giả là trái với quy định của pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân, doanh thu của doanh nghiệp, thất thu ngân sách nhà nước, hình thành môi trường kinh doanh không lành mạnh, cạnh tranh không sòng phẳng ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trong nước" - ông Đỗ Hồng Trung nhấn mạnh.

Người tiêu dùng cần nói không với hàng lậu

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực các kế hoạch, các chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đó, các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình về tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng và đề ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời hiệu quả; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra ở các cấp, các ngành một cách thường xuyên liên tục kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng, liên tỉnh, liên tuyến, phối hợp chặt chẽ kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến; biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không.

Đặc biệt, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay đối với các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân doanh nghiệp về tác hại, sự ảnh hưởng của tình trạng buôn lậu, sản xuất kinh doanh, vận chuyển, lưu chứa hàng lậu, hàng giả đến sự phát triển của kinh tế cũng như sự ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Ở chiều ngược lại, lực lượng chức năng cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp về thông tin đối tượng, mặt hàng, địa điểm kho tàng, bến bãi để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả hơn.

Người tiêu dùng cả nước cũng như doanh nghiệp trong nước cần nói không với hàng lậu, hàng không rõ xuất sứ, hàng giả nhãn hiệu để giảm tối đa nhu cầu nhằm giảm nguồn cung. Đây mới là giải pháp căn cơ, hữu hiệu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.

Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục phức tạp

Năm 2024, tình hình được dự báo tiếp tục phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương sẽ tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật; phản ánh kịp thời tình hình, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xu-nghiem-hanh-vi-bao-che-bao-ke-tiep-tay-cho-buon-lau-143828.html