Xử nghiêm, phạt mạnh ngăn tai nạn giao thông do vượt đèn đỏ
Tình trạng người tham gia giao thông ngang nhiên vượt đèn đỏ diễn ra phổ biến ở nhiều thành phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Cảnh báo TNGT do vượt đèn đỏ
Sáng 1/5, có mặt tại ngã tư Nguyễn Hoàng – Tôn Thất Thuyết - Phạm Hùng, chỉ trong 15 phút quan sát, PV Báo Giao thông chứng kiến hàng trăm xe máy, ô tô vô tư vượt đèn đỏ, bất chấp nguy hiểm.
Khi đèn đỏ vẫn còn khoảng 30 giây, nhận thấy phương tiện phía đường Phạm Hùng đứng yên, hàng chục xe máy liền rồ ga lao thẳng sang phía đường Tôn Thất Thuyết hoặc phía bên kia đường Phạm Hùng hướng về Mai Dịch.
Tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân - Hoàng Minh Giám, tình trạng tương tự cũng xảy ra một cách phổ biến.
Trong khi đó, không ít những vụ TNGT đã xảy ra do hành vi vượt đèn đỏ gây nên. Điển hình như, chiều 5/4, tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa ô tô BKS 29A-083.12 với 17 xe máy khiến 18 người bị thương, phải đi cấp cứu. Trong số 17 xe máy này, nhiều xe dừng đỗ vượt quá vạch dừng, thậm chí ùn ùn rồ ga vượt giao lộ khi đèn chưa xanh.
Hay khoảng 10h05 ngày 2/2 tại ngã tư đại lộ Hùng Vương giao nhau với đường Võ Chí Công, đường Hoàng Hoa Thám thuộc phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, ô tô BKS 36A-386 di chuyển trên đại lộ Hùng Vương không giảm tốc độ khi thấy đèn tín hiệu màu đỏ đã bất ngờ va chạm xe máy BKS 36B4-455.03 ngay giữa ngã tư, khiến người đi xe máy tử vong.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối cho biết, căn cứ Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, của người điều khiển ô tô là từ 4-6 triệu đồng, đồng thời bị tước GPLX từ 1-3 tháng.
“Với mức phạt này, khó có thể nói người vi phạm không sợ bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, do đặc thù nhỏ gọn, cơ động nên khi gặp CSGT người vi phạm thường có xu hướng quay đầu, rẽ vào lối khác hoặc tăng ga bỏ chạy”, luật sư Hùng nhìn nhận.
Trong khi đó, nói về tình trạng vượt đèn đỏ, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết, ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn hạn hẹp đã khiến hành vi vi phạm ngày càng gia tăng, thậm chí còn xảy ra ngay cả khi có cán bộ hướng dẫn điều tiết giao thông trước mặt.
Điều đáng nói là người dân thậm chí chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, không nắm được các mức xử phạt dẫn đến nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra do hành vi vượt đèn đỏ, nhiều người đã phải đánh đổi cả tính mạng bản thân.
Xử nghiêm, phạt mạnh ngăn TNGT do vượt đèn đỏ
TS Nguyễn Phước Quý Duy, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, việc xử phạt hành vi vượt đèn đỏ chưa nghiêm khắc đã khiến người dân có tâm lý cho rằng mức độ rủi ro bị phạt không cao.
“Tại các nước phát triển trên thế giới, hành vi này rất ít xảy ra vì họ có các hệ thống camera xử phạt nguội tại các nút giao đèn tín hiệu. Chỉ cần vượt đèn đỏ 0,1 giây, lái xe đã bị phạt hành chính (mức phạt tăng dần theo thời gian mà lái xe vượt đèn đỏ) và bị trừ 3 điểm trên bằng lái. Mỗi người có bằng lái xe sẽ sở hữu 11 điểm trong 3 năm. Bị trừ hết điểm đồng nghĩa với việc mất bằng vì thế, họ rất sợ vi phạm giao thông”, TS Duy nói và cho rằng: Việc tăng mức phạt trong thời điểm hiện nay tại Việt Nam là chưa cần thiết vì mức phạt đã khá cao so với thu nhập bình quân người dân.
Thay vào đó, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt các hành vi trên thông qua tuần tra kiểm soát và camera phạt nguội. Ngoài ra, việc trừ điểm hay bấm lỗ bằng lái cũng nên được xem xét áp dụng để tăng tính răn đe.
Đồng quan điểm, luật sư Bình cho rằng, dù mức xử phạt tiền tăng lên nhưng người dân không tiếp cận được quy định cũng không giải quyết được vấn đề. Trọng tâm vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, để họ hiểu việc tuân thủ đèn tín hiệu là bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và người tham gia giao thông khác.
Tuy nhiên, luật sư Bình kiến nghị cần bổ sung thêm hình phạt tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe của người vi phạm. Ngoài ra cần ứng dụng công nghệ trong lưu giữ thông tin vi phạm để có thể áp dụng tình tiết tăng nặng, phạt mức cao nhất nếu tái phạm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến hành vi vượt đèn đỏ trở thành vấn nạn là do việc xử lý chưa nghiêm do số lượng phương tiện quá lớn. Hơn nữa, đặc điểm của xe máy là cần phải ‘bắt tại trận’ chứ không thể phạt nguội như ô tô, trong khi lực lượng chức năng chỉ chốt tại một số khu vực cố định ở những khung giờ nhất định nên người dân dễ dàng nắm được quy luật để né tránh. Điều này còn thể hiện ở ý thức của người tham gia giao thông.
Trước mắt, lực lượng chức năng vẫn cần xử lý cương quyết, không bỏ lọt các tình huống vi phạm để răn đe, việc xử phạt mạnh mẽ trên tinh thần thượng tôn pháp luật cũng hình thành thói quen không vi phạm các hành vi trên về lâu về dài.
“Việc giáo dục nâng cao ý thức giao thông trong trường học ngay từ trẻ nhỏ là cần thiết, mang lại hiệu quả rất cao trong việc hình thành văn hóa giao thông, và văn hóa này sẽ theo các em khi lớn lên”, TS Duy bổ sung thêm.