XỬ NGHIÊM THỦY ĐIỆN VI PHẠM
Phần lớn thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như Thủy điện Đắk Kar (Đắc Nông) và gần đây nhất là Thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên-Huế) gây mất an toàn cho hạ du.
Đây là nội dung trong Công văn số 190/TWPCTT của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.
Việc một số doanh nghiệp, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện tích nước trái phép, xả nước không đúng quy trình gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, hoặc không chịu xả nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, khiến dư luận phản ứng rất mạnh mẽ. Các cơ quan hữu quan cũng vào cuộc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Năm 2019, hai cá nhân vi phạm trong quá trình xả nước ở Thủy điện Nậm Nơn (Nghệ An) làm chết hai người dân đã bị xử lý hình sự.
Không thể phủ nhận, với sự phản ứng của dư luận, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và việc xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm đã buộc các doanh nghiệp, cá nhân vận hành hồ chứa phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm. Hai trường hợp mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chỉ đích danh là những ví dụ rõ ràng nhất.
Tại sao những doanh nghiệp, cá nhân ấy bất chấp tất cả để vi phạm? Đó rõ ràng là vì lợi ích kinh tế, vì mục tiêu lợi nhuận. Những hành vi ấy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cực kỳ lớn cho tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn người dân vùng hạ du, nên không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, cả đạo làm người và đạo kinh doanh. Vì thế, không phải tự nhiên mà nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm một cách gay gắt ngay trong Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Có vẻ như, những biện pháp răn đe mà chúng ta đã, đang áp dụng vẫn chưa đủ sức khiến các doanh nghiệp, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện thấy... sợ.
Đã đến lúc phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh hơn nữa: Xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ nặng hơn; kiên quyết xử lý hình sự với những cá nhân cố tình vi phạm dù chưa gây thiệt hại về người hay tài sản; kiên quyết xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) vi phạm theo Điều 238 Bộ luật Hình sự, sẵn sàng áp dụng mức hình phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu có nhiều tình tiết tăng nặng; yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đình chỉ thực hiện hợp đồng mua điện từ các nhà máy thủy điện có vi phạm...
Những doanh nghiệp, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện cố tình vi phạm hầu như chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, do vậy, càng đánh mạnh vào hầu bao của họ sẽ càng có sức răn đe mạnh mẽ. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nên không thể để bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào nhởn nhơ vi phạm cả chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật, ngang nhiên coi lợi ích kinh tế của mình cao hơn an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/xu-nghiem-thuy-dien-vi-pham-644250