Xử phạt 5 nhà thầu thi công Quốc lộ 19 vì gây mất an toàn giao thông
Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 nhà thầu thi công tại Quốc lộ 19 vì không đảm bảo an toàn trong thi công, gây mất an toàn giao thông.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Xây dựng giao thông 1 (có địa chỉ ở Hà Nội) bị xử phạt 12 triệu đồng do vi phạm khi thi công trên đường bộ đang khai thác bố trí cọc tiêu di động không đầy đủ theo quy định (từ km238+200 đến km238+200 bên trái tuyến Quốc lộ 19, đoạn qua xã Ia Nan - huyện Đức Cơ - Gia Lai).
Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 (địa chỉ ở Hà Nội) bị xử phạt 12 triệu đồng do vi phạm lỗi thi công trên đường bộ đang khai thác bố trí cọc tiêu di động không đầy đủ theo quy định (từ km190+300 đến km190+500 bên phải tuyến Quốc lộ 19, đoạn qua xã Thăng Hưng - huyện Chư Prông - Gia Lai).
Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Phương Nam (địa chỉ ở tỉnh Phú Thọ) bị xử phạt 12 triệu đồng do vi phạm từ km214+400 đến km216 bên phải tuyến Quốc lộ 19, đoạn qua xã Ia Krêl - huyện Đức Cơ - Gia Lai.
Ngoài ra, Cục Quản lý đường bộ III cũng xử phạt Công ty TNHH Hợp Tiến (tỉnh Hà Nam) và Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) mỗi đơn vị 4 triệu đồng, do vi phạm không bố trí người hướng dẫn giao thông khi đang thi công Quốc lộ 19.
Tại tuyến Quốc lộ 19 đang thi công thuộc tỉnh Gia Lai, các cống thoát nước được thiết kế thi công cao hơn mặt đường khá nhiều, khiến việc di chuyển vào nhà dân dọc hai bên tuyến đường rất bất tiện. Nhiều người đã bị ngã khi đi đường vòng vào nhà khi trước mặt nhà dân, các đơn vị thi công đã đào rãnh cống không còn lối đi. Còn dọc tuyến đường đi qua huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Đăk Pơ... người dân hai bên đường tỏ ra bức xúc vì công trình thi công dở dang, kéo dài khiến việc đi lại rất bất tiện, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Nhiều, thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) cho biết, các đơn vị thi công móc đường mương cống lên từ trước Tết Nguyên Đán đến nay chưa thi công lại. Mùa khô, gió, bụi đất đỏ đóng lớp lên đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Để ra được đường, gia đình bà phải men theo lối mòn tự tạo.
Cũng chung nỗi bức xúc như bà Nhiều, ông Trần Hòa, thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai), chia sẻ, bà con khu vực đường đang thi công này rất lo lắng vì cống cao hơn nền nhà nên khi mùa mưa sẽ gây ngập lụt tuyến nhà dân hai bên đường. Đường làm mấy tháng chưa xong, bụi mù mịt khiến sinh hoạt của người dân rất bất tiện. Nếu đường làm xong, người dân khu vực này có hướng nâng nền nhà lên cho cao bằng mặt đường, nếu không, mùa mưa nước sẽ tràn hết vài nhà. Bà con xã Kdang mong tuyến đường Quốc lộ 19 sớm được thi công hoàn chỉnh để bà con sớm ổn định sinh hoạt.
Theo kiến nghị từ cử tri địa phương, liên quan đến dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đi qua địa bàn, ông Đan, Chủ tịch UBND xã Kdang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai), cho biết, người dân rất bức xúc và phản ánh lên chính quyền địa phương, UBND xã Kdang cũng đã có ý kiến lên UBND huyện Đăk Đoa và Ban quản lý Dự án 2 thuộc Bộ Giao thông Vận tải (đơn vị chủ đầu tư) để có hướng xử lý phù hợp.
Theo đó, phía UBND xã Kdang cũng đề nghị các đơn vị thi công tuyến đường làm đến đâu xử lý xong dứt điểm đến đoạn đó, tránh tình trạng đào xới cống trước nhà dân mà chưa đúc cống khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa sắp đến. Ngoài ra, ông Đan cũng quan ngại về việc hàng cống của tuyến đường quá sao so với mặt đường và nhà dân sẽ ảnh hưởng đến quá trình sử dụng. Vì đa số người dân vùng Tây Nguyên đều vận chuyển nông sản về nhà, khi các xe tải chở nông sản đi ngang qua hệ thống cống sẽ có nguy cơ nứt vỡ vì độ chênh lệch giữa mặt đường - cống - nền nhà dân rất lớn.
Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 khu vực Tây Nguyên dài khoảng 143 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai (dài 126 km) và Bình Định (dài 17 km) do Ban Quản lý Dự án 2 - Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD, tương đương hơn 3.600 tỷ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước. Dự án tổ chức thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.