Xử phạt công ty chậm nộp phí duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số
Công ty Cổ phần Viễn thông NEW-TELECOM đã bị xử phạt 20 triệu đồng, bị buộc nộp lại số phí nộp chậm là 345.345.000 đồng.
Qua việc giám sát các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) phát hiện có việc doanh nghiệp chậm nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
Điển hình như Công ty Cổ phần Viễn thông NEW-TELECOM nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số Quý III năm 2023 chậm quá 15 ngày làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 19/2022/TT-BTC ngày 23/3/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
Tìm hiểu nguyên nhân chậm nộp phí, Công ty Cổ phần Viễn thông NEW-TELECOM cho biết sau đại dịch COVID-19, kể từ năm 2022 tới nay, doanh nghiệp chữ ký số nói chung và Công ty Cổ phần Viễn thông NEW-TELECOM nói riêng đều gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh, phát triển khách hàng của NEWTEL-CA chủ yếu dựa vào đại lý, tuy nhiên việc chiết khấu cho đại lý ngày càng gia tăng; khi đại lý khó khăn, thanh toán chậm cho NEWTEL-CA cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp, làm chậm việc nộp phí của NEWTEL-CA.
Do sai phạm của mình, Công ty Cổ phần Viễn thông NEW-TELECOM đã bị xử phạt 20 triệu đồng, bị buộc nộp lại số phí nộp chậm là 345.345.000 đồng theo quy định tai khoản 1 Điều 112 Nghị định số 15/2023/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
NEW-TELECOM đã cố gắng khắc phục hậu quả vi phạm, nộp phí ngay sau khi thu xếp được nguồn tiền, chia việc thanh toán làm nhiều lần nhỏ để kịp thời đóng theo thông báo của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia nhưng cũng chưa đáp ứng được tiến độ thanh toán theo yêu cầu.
Để tránh bị xử phạt, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, các doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cần chủ động, tích cực nghiên cứu pháp luật để hiểu và chấp hành đúng pháp luật; chú trọng thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước khi tham gia thị trường, quản trị tốt dòng tiền, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số một cách đầy đủ đúng hạn.