'Xử phạt người hút thuốc lá khó nhưng không phải không làm được'
Đó là chia sẻ của bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP. Hồ Chí Minh về vấn đề xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng.
Ngày 17/10, tại Hà Nội, bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về thực hiện môi trường không khói thuốc.
Hội thảo đã được nghe chia sẻ của một số đơn vị về kết quả thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng ở TP.Hồ Chí Minh; Kết quả thực hiện mô hình nhà hàng, khách sạn không khói thuốc. Kế hoạch triển khai điểm du lịch không khói thuốc ở quận Hoàn Kiếm trong thời gian tiếp theo; Đẩy mạnh triển khai mô hình du lịch không khói thuốc tại TP.HCM…
Bên lề hội thảo, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP. Hồ Chí Minh về những điều khó khăn trong việc thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá.
Thưa bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện mô hình du lịch không khói thuốc tại các cơ sở dịch vụ du lịch ở TP.Hồ Chí Minh thời gian qua?
Hiện nay, có 2 nơi công cộng rất đông người dân, kể cả khách đến đó là các cơ sở dịch vụ du lịch và các điểm giao thông công cộng.
Nhiều năm trước, từ khi chưa có luật thì đã có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chương trình quốc gia phòng, chống thuốc lá thực hiện điểm được vài khách sạn, nhà hàng. Khi có luật, bắt đầu triển khai mạnh hơn theo tính chất thực hiện luật. Nhưng, việc thực hiện đó cũng đang ở giai đoạn đầu, đồng thời có sự hỗ trợ rất hiệu quả của các tổ chức Chính phủ, các đơn vị Phi Chính phủ thực hiện bằng hình thức dự án, như vậy, sẽ đi sâu hơn, chất lượng hơn.
Khi triển khai du lịch không khói thuốc bằng các dự án, đặc biệt triển khai tập trung ở nhà hàng, khách sạn, tôi thấy có hiệu quả.
Thực tế hiện nay, ở những nơi công cộng vẫn có nhiều người hút thuốc lá. Theo ông, chế tài xử lý, giám sát phòng chống tác hại thuốc lá đã đủ mạnh để người dân không hút thuốc?
Có 3 khó khăn và thách thức: Đầu tiên là khối lượng cơ sở nhà hàng, khách sạn dịch vụ du lịch quá lớn. Chỉ riêng TP.HCM có trên 2.000 cơ sở. Các bến xe cũng có rất nhiều.
Tiếp theo, nhiều người dân, khách quốc tế quen hút thuốc và thải tàn thuốc tự do.
Thách thức nữa là vấn đề chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Ông có nói đến việc chúng ta xử phạt chưa hiệu quả đối với hành vi hút thuốc lá. Vậy theo ông, nguyên nhân chính ở đây là gì?
Xử phạt ít và khó là bởi nguồn nhân lực rất hạn chế. Thêm nữa, việc xử phạt hành vi hút thuốc còn rất mới, nên gặp trở ngại ở thủ tục rườm rà. Trong khi đó, việc xử lý cần nhanh bởi hành vi hút thuốc lá chỉ xảy ra trong vài giây. Bên cạnh đó, người xử lý không có thẩm quyền để thực hiện các động tác khác như giữ xe, giấy tờ…
Trước đó, ông cũng từng chia sẻ với báo chí rằng “không có ai đi phạt phòng, chống tác hại thuốc lá, chỉ có mình ông làm”, vậy câu chuyện kiểm tra phạt của ông diễn ra như thế nào?
Tôi đã từng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính một bác sĩ do hút thuốc. Chính vì trực tiếp làm nên tôi mới thấy việc xử phạt rất khó. Nhưng, nói ra như vậy để thấy rằng nếu xử phạt bằng chế tài thì vẫn làm được. Thậm chí, không có thẩm quyền đầy đủ thì vẫn làm được nếu muốn làm, chịu làm và dám làm.
Khi xử phạt, tôi tiến hành các bước như: Phổ biến, hướng dẫn, tập huấn nhắc nhở, giám sát, sau đó mới xử phạt. Như vậy, người vi phạm không có phản ứng lại mà tâm phục khẩu phục, chấp nhận nộp phạt.
Làm sao để có một cơ chế giám sát hiệu quả hơn trong công việc phòng, chống tác hại của thuốc lá?
Muốn làm hiệu quả theo tôi là phải phân cấp, giao ủy quyền cho người thực hiện. Nếu không có thẩm quyền thì làm sao phạt được?
Những người có thẩm quyền thì thực hiện phải nhanh chóng, khi cần đến là phải có mặt ngay để xử lý. Đồng thời, thủ tục cũng phải đơn giản thì mới đạt được hiệu quả.
Là người trực tiếp làm, tôi rất hiểu vì sao hút thuốc lá lại khó xử phạt, còn vướng chỗ nào. Tôi cho rằng, việc phòng chống tác hại thuốc lá vẫn cần một quá trình. Nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điều là phải tích cực, kiên trì, chung tay đẩy lùi thuốc lá.
Xin cảm ơn ông!
Thuốc lá điện tử không phải phương pháp điều trị cai nghiện
Trao đổi với PV bên lề hội thảo, PGS.TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc trung tâm hô hấp (bệnh viện Bạch Mai) thông tin về kết quả triển khai mô hình cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện này. Theo đó, đánh giá sơ bộ đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.000 người cai thuốc thành công với tiêu chuẩn đưa ra. “Chúng tôi cũng đã làm giấy chứng nhận cai thuốc lá cho những bệnh nhân cai nghiện thành công, đây vừa là tuyên dương khích lệ tinh thần và cũng là bài học cho các thế hệ tiếp sau”, PGS.TS Phan Thu Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Phan Thu Phương ngoài thuốc lá truyền thống thì hiện nay người nghiện thuốc lá chuyển sang hút thuốc lá điện tử. PGS.TS Phan Thu Phương cho hay: “Theo nghiên cứu của các nhà sản xuất thì thuốc lá điện tử có thể điều trị được cai nghiện. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới và tổ chức lương thực thực phẩm của Mỹ cũng không khuyến cáo hút thuốc lá điện tử là hình thức điều trị cai nghiện. Với tư cách là nhà chuyên môn, chúng tôi cho rằng thuốc lá điện tử không phải là phương pháp để điều trị cai nghiện, bởi thuốc lá điện tử cũng có nhiều thành phần tạo mùi. Tác hại đến đâu thì còn cần phải nghiên cứu dài lâu”.