Xử phạt nhiều phòng khám đa khoa do vi phạm quy định
Hàng loạt phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố Hà Nội bị Thanh tra Sở y tế Hà Nội xử phạt về nhiều lỗi vi phạm khác nhau liên quan đến việc khám chữa bệnh.
Cụ thể, ngày 16/2/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt hành chính 3 phòng khám đa khoa. Trong đó có, Phòng khám đa khoa Agape trực thuộc Công ty cổ phần Y dược Agape, địa chỉ số 382 đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Phòng khám đa khoa Quốc tế An Đạt trực thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Quốc tế An Đạt, địa chỉ số nhà 37 đường Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Phòng khám đa khoa Y học tái tạo trực thuộc Công ty cổ phần Viện Y học tái tạo và thẩm mỹ, địa chỉ số 18 Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
Số tiền xử phạt đối với mỗi phòng khám là 45 triệu đồng về hành vi: Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khám bệnh, chữa bệnh) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Cả 3 phòng khám bị xử phạt đều phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải tháo gỡ, thái dỡ quảng cáo sai quy định.
Trong ngày 16/2/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng xử phạt hành chính đối với Phòng khám đa khoa SBB - Chi nhánh Công ty cổ phần dịch vụ Y tế SBB, địa chỉ Số 499 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Số tiền xử phạt 12 triệu đồng về hành vi: Biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/9/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định rõ về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo Nghị định này, hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1-24 tháng đối với: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III; giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; giấy phép kinh doanh rượu, bia; giấy phép hoạt động Ngân hàng mô; chứng chỉ hành nghề dược; chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;
Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-24 tháng;
- Trục xuất.
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.