Xu thế dòng tiền: 'Bùng nổ theo đà' không phải lúc nào cũng thành công
Nhịp đi lên của VN-Index kể từ đầu tháng 11 xuất hiện 2 phiên tăng với biên độ lớn, thậm chí vượt qua mức MA20 rất thuận lợi. Không ít nhà đầu tư kỳ vọng phiên 'bùng nổ theo đà' này xác nhận thị trường kết thúc xu hướng giảm để bước vào sóng tăng mới...
Nhịp đi lên của VN-Index kể từ đầu tháng 11 xuất hiện 2 phiên tăng với biên độ lớn, thậm chí vượt qua mức MA20 rất thuận lợi. Không ít nhà đầu tư kỳ vọng phiên “bùng nổ theo đà” này xác nhận thị trường kết thúc xu hướng giảm để bước vào sóng tăng mới.
Các chuyên gia cũng đồng thuận về “phiên bùng nổ theo đà” ngày 8/11 vừa qua, nhưng lại không đảm bảo chắc chắn về khả năng thị trường tạo đáy hình chữ V. Quan điểm phổ biến hơn là thị trường sẽ tạo 2 đáy, nghĩa là có một nhịp điều chỉnh tới đây để kiểm định lại đáy cũ, có thể ngang bằng hoặc cao hơn đáy cũ một chút.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, các chuyên gia cũng cho rằng thời điểm cuối năm tài chính, nhu cầu mở rộng danh mục cũng sẽ thận trọng hơn. Ví dụ về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù thị trường hiện tại tương đương với tháng 12/2022 nhưng lúc này dòng vốn ngoại là bán ròng rất mạnh, trong khi cuối năm ngoái là mua ròng hỗ trợ thị trường. Thậm chí quan điểm thận trọng cho rằng thanh khoản tăng mạnh trong 3 phiên cuối tuần qua thì có tới 2 phiên giảm, cho thấy dòng tiền lớn có thể đang rút đi hơn là mua vào.
Mặc dù thận trọng trong ngắn hạn sau khi thị trường đã có nhịp tăng tốt 2 tuần qua nhưng các chuyên gia cũng không bi quan. Nhận định khả năng thị trường bị chốt lời ngắn hạn và điều chỉnh kiểm định đáy, việc thị trường giảm tới đây được xem là cơ hội để giải ngân. Nếu thị trường tạo 2 đáy lớn thành công thì đó là tín hiệu rất tích cực.
Với diễn biến 2 phiên cuối tuần đều tạo nến đỏ và thanh khoản lớn hơn trung bình 20 phiên cũng như lớn hơn phiên bùng nổ theo đà thì tôi thấy phiên bùng nổ theo đà thất bại xác suất đang khá cao.
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường bất ngờ xuất hiện phiên bùng nổ mạnh mẽ thứ hai trong tuần qua, sau phiên ngày 2/11 và tính từ đáy chỉ số đã tăng tới gần 90 điểm. Rất nhiều ý kiến đánh giá thị trường đã xuất hiện phiên bùng nổ theo đà, nghĩa là đã chính thức vào sóng mới. Quan điểm của anh chị thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi cũng đồng quan điểm, VN-Index có thể đã xuất hiện phiên bùng nổ theo đà trong tuần giao dịch vừa qua, nhưng không phải vậy mà kịch bản chỉ số điều chỉnh về kiểm định lại vùng đáy cũ 1.020 điểm bị loại trừ.
Chúng ta biết tới “phiên bùng nổ theo đà” khi được William O’Neil giới thiệu, nhằm tìm kiếm một tín hiệu xác nhận cho một xu hướng giảm trước đó đã kết thúc và thị trường có cơ hội bước vào một xu hướng phục hồi mới. Theo những đặc điểm được mô tả, thì phiên giao dịch 8/11 đã hội tụ đủ các tiêu chuẩn để trở thành một phiên bùng nổ theo đà, nếu tính ngày tạo đáy là phiên 1/11. Và chỉ cần VN-Index không giảm thủng vùng đáy của phiên 1/11 thì phiên bùng nổ theo đà 8/11 sẽ được xem là thành công.
Nói như vậy để thấy, khi chúng ta nhìn nhận thị trường theo lý thuyết của O’Neil thì không phải lúc nào xuất hiện “phiên bùng nổ theo đà” là thị trường cũng ngay lập tức bước vào một giai đoạn đi lên liên tục mà vẫn có một số trường hợp thị trường sẽ giảm về kiểm định vùng đáy cũ trước khi thực sự bước vào một xu hướng tăng mới.
Đồng thời, tôi cũng thấy thị trường đang dần bước vào những tháng giao dịch cuối cùng của năm tài chính 2023 rồi, nên các quyết định mạo hiểm mở rộng danh mục sẽ được nhà đầu tư cân nhắc thận trọng hơn. Do vậy, tôi nghiêng về kịch bản VN-Index cần thêm một nhịp lùi về gần đáy cũ của phiên 1/11, và hướng tới thiết lập vùng cân bằng với biên độ vận động thu hẹp hơn (vùng đáy).
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Dựa vào các tiêu chí về thanh khoản và mức độ tăng giá thì phiên ngày 8/11 là một phiên bùng nổ theo đà chuẩn, nhưng không phải cứ xuất hiện phiên bùng nổ theo đà là thị trường chính thức bước vào sóng tăng mới, vì theo thống kê thì thường 1/3 số phiên bùng nổ theo đà sẽ thất bại và sau đó thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm.
Với diễn biến 2 phiên cuối tuần đều tạo nến đỏ và thanh khoản lớn hơn trung bình 20 phiên cũng như lớn hơn phiên bùng nổ theo đà thì tôi thấy phiên bùng nổ theo đà thất bại xác suất đang khá cao.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Khả năng thị trường có thể tạo đáy hình chữ V ngay lập tức và bước vào xu hướng tăng điểm trung hạn ngay sau đó là không cao. Thị trường mặc dù đã xuất hiện phiên bùng nổ theo đà với thanh khoản tăng vọt cho thấy lực cầu tiềm năng sẵn sàng tham gia thị trường vẫn còn tương đối lớn, tuy vậy việc tạo đáy cần mất thời gian để tích lũy và rũ bỏ áp lực chốt lời T+ trong vài tuần, thậm chí cần từ 2 đến 3 tháng trước khi chuyển sang xu hướng uptrend mới.
Xu thế dòng tiền: Lại “bull-trap”, hay thị trường đã thực sự chạm đáy?
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thanh khoản có tín hiệu cải thiện khá rõ tuần qua với mức khớp lệnh trung bình ở HoSE và HNX khoảng 17,6 ngàn tỷ đồng/phiên. Đặc biệt ba phiên cuối tuần giao dịch bình quân vượt trên 20 ngàn tỷ đồng. Liệu đây có phải là tín hiệu dòng tiền lớn đã thực sự được kích hoạt?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Đúng như thống kê, thanh khoản thị trường đã tăng khá mạnh trong những phiên giao dịch tuần qua, nhưng thật khó để xác định liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy dòng tiền lớn đã thực sự được kích hoạt hay không.
Theo thống kê của HoSE, trong tuần giá trị giao dịch gia tăng mạnh mẽ vừa qua thì khối nhà đầu tư ngoại lại giữ trạng thái bán ròng hơn 1,2 nghìn tỷ, trong đó bán ròng 4/5 phiên giao dịch. Thống kê này cho thấy hoạt động giao dịch của khối ngoại đang trái ngược hoàn toàn với cùng kỳ năm ngoái, khi thị trường cũng có những dấu hiệu đầu tiên tạo đáy vào tháng 11/2022. Có thể nói dòng tiền lớn từ khối ngoại, thay vì hỗ trợ thì đã thoát khỏi thị trường trong tuần giao dịch vừa qua.
Như vậy, dòng tiền hỗ trợ chính đang tới từ nhà đầu tư nội, với đa phần là nhà đầu tư cá nhân. Dựa trên lợi thế linh hoạt trong việc chuyển đổi trạng thái tài khoản, sức mua từ nhóm nhà đầu tư này đang có đóng góp lớn cho nhịp hồi phục của thị trường. Và không ngoại trừ, sức mua đó còn đến từ việc sử dụng Margin, nên có thể một “vòng quay Margin” mới cũng đang hình thành.
Nhìn chung, sự hiện diện của dòng tiền lớn của các tổ chức, khối ngoại… trong nhịp hồi phục lần này là chưa thực sự rõ ràng, không như những gì mà chúng ta đã nhìn thấy ở giai đoạn tạo đáy vào tháng 11/2022.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Việc thanh khoản tăng mạnh trong những phiên gần đây không chỉ đến từ lực cầu tiềm năng nhập cuộc mà còn đến từ áp lực bán chốt lời các vị thế T+ sẵn có. Điều này phần nào thể hiện dòng tiền đứng ngoài có thể sẵn sàng giải ngân nếu thị trường điều chỉnh về các mức hợp lý, nhưng đồng thời cũng cho thấy nhà đầu tư không có ý định nắm giữ vị thế lâu dài và có thể bán chốt lời mạnh về cuối phiên khi thấy tín hiệu kém khả quan. Bất kể bên nào hành động quyết liệt hơn cũng sẽ dẫn đến kết quả giao dịch tăng mạnh.
Tuy vậy, để thị trường vào một con sóng tăng mới với những phiên thanh khoản lớn sẽ cần dựa vào tình hình vĩ mô ổn định, cũng như không có bất kì căng thẳng về địa chính trị nào xảy ra. VN-Index cũng cần trải qua các nhịp tích lũy với biên độ tăng/giảm đan xen trước khi bước vào một xu hướng uptrend mới với giao dịch bùng nổ, do sẽ rất ít khả năng chỉ số hồi phục hình chữ V ngay lập tức sau khi đã tạo đáy.
Dòng tiền hỗ trợ chính đang tới từ nhà đầu tư nội, với đa phần là nhà đầu tư cá nhân. Dựa trên lợi thế linh hoạt trong việc chuyển đổi trạng thái tài khoản, sức mua từ nhóm nhà đầu tư này đang có đóng góp lớn cho nhịp hồi phục của thị trường. Và không ngoại trừ, sức mua đó còn đến từ việc sử dụng Margin, nên có thể một “vòng quay Margin” mới cũng đang hình thành.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thanh khoản tuần vừa rồi tăng mạnh 3 phiên cuối tuần nhưng phiên đỏ chiếm 2 phiên cũng như khối lượng phiên đỏ rất mạnh nên tôi thấy dòng tiền của nhà đầu tư lớn có dấu hiệu bán hơn là mua. Nếu tuần sau các phiên giảm thanh khoản vẫn lớn và phiên xanh thanh khoản nhỏ hơn thì thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Áp lực tỷ giá cũng đang hạ nhiệt dần và tuần qua Ngân hàng nhà nước cũng bất ngờ dừng phát hành tín phiếu mới sau nhiều phiên hút về nhỏ hơn khối lượng đáo hạn. Anh chị đánh giá thế nào về động thái mới này? Dường như các yếu tố cơ bản đang ủng hộ thị trường?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Những động thái mới của Ngân hàng Nhà nước trong ngày 9/11 vừa qua với việc ngưng phát hành tín phiếu trên thị trường mở, cùng với việc FED phát đi những tín hiệu ngừng tăng lãi suất giúp cho DXY đảo chiều giảm mạnh, phần nào cho thấy áp lực lên tỷ giá đã giảm.
Bên cạnh đó, kỳ vọng trong thời gian tới một vài yếu tố có thể hỗ trợ giảm áp lực lên tỷ giá bao gồm: vốn đầu tư FDI cao kỷ lục và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, giảm áp lực rút vốn đầu tư nước ngoài. Với việc áp lực tỷ giá hạ nhiệt, theo tôi Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Dưới góc nhìn phân tích vĩ mô, tôi cũng đồng quan điểm, vấn đề trọng yếu trong việc điều hành chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại là tỷ giá, và khi áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt thì Ngân hàng nhà nước sẽ có nhiều không gian hơn trong việc thực hiện chính sách nới lỏng.
Trong đó, các phiên bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua thị trường mở của Ngân hàng nhà nước là nhờ diễn biến của tỷ giá đã hạ nhiệt sau kỳ họp đầu tháng 11 của FED, và đây là một thông tin tốt với thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Khi tỷ giá hạ nhiệt việc Ngân hàng nhà nước dừng phát hành tín phiếu là điều dễ hiểu và động thái này sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường và giúp thị trường hồi phục giai đoạn vừa rồi.
Nhưng hiện chỉ số DXY đã hồi phục được 4 phiên, nếu tiếp tục tăng tiếp vào tuần sau thì áp lực về tỷ giá sẽ tăng trở lại cũng như Ngân hàng nhà nước có thể tiếp tục phát hành tín phiếu để hút tiền về.
Kỳ vọng trong thời gian tới một vài yếu tố có thể hỗ trợ giảm áp lực lên tỷ giá bao gồm: vốn đầu tư FDI cao kỷ lục và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, giảm áp lực rút vốn đầu tư nước ngoài. Với việc áp lực tỷ giá hạ nhiệt, theo tôi Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Mặc dù thị trường đang tăng khá tốt trong ngắn hạn nhưng nhiều nhà đầu tư lại rơi vào tình thế khó chịu, khi lỡ chốt lời ngay đầu tuần khi VN-Index tiến sát mức MA20 và chờ giảm để mua trở lại. Tuy nhiên thị trường lại tiếp tục tăng. Hiện thị trường đang đi lên khá nhanh và nhịp tăng đã khá mạnh. Theo anh chị nếu nhà đầu tư đang lỡ nhịp thì nên đợi điều chỉnh kiểm định đáy mới mua hay “xuống tiền” luôn?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi nhận định thị trường có thể đã bước qua giai đoạn giảm điểm kéo dài gần ba tháng kể từ nửa cuối tháng 8 tới nay, nhưng không phải vì thế mà thị trường có thể ngay lập tức bước vào một giai đoạn tăng nóng liên tục ngay được. Và kịch bản VN-Index có thể lùi về kiểm định đáy cũ vẫn cần được tính tới.
Do đó, tôi cho rằng nhà đầu tư đã lỡ chốt lời ngay đầu tuần vừa qua cũng không nên nóng vội “xuống tiền” mua đuổi giá cao lại ngay, mà nên chờ nhịp điều chỉnh rồi mới cân nhắc tham gia trở lại.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thấy hiện thị trường có nhịp hồi phục hơn 100 điểm từ đáy, đa số cổ phiếu hồi phục tăng 20-30% thậm chí có những cổ phiếu còn tăng 50% chỉ sau 1 tuần. Đây là mức lợi nhuận rất lớn trong thời gian ngắn nên với giai đoạn hiện tại theo tôi nhà đầu tư cần tránh bị cuốn bởi thị trường. Thường thị trường hồi nhanh, mạnh nếu điều chỉnh cũng rất nhanh và mạnh. Giai đoạn hiện tại nếu đã lỡ nhịp thì chúng ta cần đợi xem nhịp điều chỉnh tới thế nào: Nếu có dấu hiệu tạo 2 đáy lớn thì giải ngân còn nếu giảm với thanh khoản mạnh và phá vỡ đáy cũ nhanh chóng, xuống tiếp thì cần đợi tiếp và chờ dấu hiệu tạo đáy mới.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Với việc xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đang là chủ đạo, nhiều khả năng VN-Index sẽ gặp áp lực điều chỉnh lớn tại các ngưỡng kháng cự đáng lưu ý tại 1.115 (+-10) và 1.145 (+-10).
Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, nên ưu tiên việc chốt lời vị thế tại các ngưỡng kháng cự trên và tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm.
Với các nhà đầu tư đang nắm giữ chủ yếu tiền mặt, các vùng hỗ trợ tại 1.085 (+-5) và xa hơn tại 1.055 (+-10) có thể cân nhắc trải lệnh giải ngân từng phần.