Xu thế hợp tác
Bất chấp những điểm nóng bất ổn, xu hướng chung trên toàn cầu tuần qua vẫn là đối thoại và hợp tác vì một thế giới hòa bình, phát triển.
1 Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tích cực thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm thúc đẩy ngăn chặn xung đột ở Ukraine. Sau khi rời Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga, ông tới Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó tới Kiev hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 28/4 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho đối thoại trực tiếp cấp cao giữa Nga và Ukraine.
Trong cuộc gặp Tổng Thư ký LHQ Guterres tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với LHQ để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán dân thường và cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine, đồng thời nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan điểm rằng tất cả các nước nên ủng hộ tiến trình đàm phán tại Istanbul về vấn đề Ukraine, nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
2 Chủ tịch Hội đồng Chính quyền Nhà nước Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing - đã mời Các Tổ chức vũ trang sắc tộc (EAO) tham gia các cuộc đàm phán về thiết lập nền hòa bình của đất nước. Ông Min Aung Hlaing khẳng định: Chính phủ và quân đội Myanmar đã cam kết xây dựng một liên minh dân chủ liên bang mà EAO đề xuất. Ông đồng thời thừa nhận nguyên nhân chính của các vấn đề nội tại hiện nay là xung đột vũ trang xuất phát từ những mâu thuẫn sắc tộc.
Thống tướng Min Aung Hlaing đặt mục tiêu năm 2022 sẽ là năm của hòa bình và nỗ lực để chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang trên toàn quốc. Theo ông, thời điểm tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được ấn định sau khi thảo luận với lãnh đạo của EAO, song không muộn hơn ngày 9/5 tới. Tính đến nay, 10 nhóm vũ trang sắc tộc đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ Myanmar, kể từ khi thỏa thuận này được khởi xướng vào tháng 10/2015.
3 Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington ủng hộ hợp tác liên Triều nhằm giúp tạo sự ổn định hơn trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới đây đã trao đổi thư riêng với Tổng thống sắp mãn nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in.
Trước đó, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, trong thư, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ mong muốn ủng hộ các nỗ lực tái thống nhất hai miền Triều Tiên dựa trên nền tảng là các tuyên bố chung liên Triều, ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở. Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá cao những gì Tổng thống Moon Jae-in đã làm là "sự nghiệp vĩ đại của dân tộc". KCNA khẳng định việc hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai miền Triều Tiên trao đổi thư riêng thể hiện sự tin cậy sâu sắc lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ quan điểm rằng quan hệ liên Triều sẽ cải thiện và phát triển như kỳ vọng nếu cả hai miền nam-bắc đều nỗ lực.
Dòng người di cư bất hợp pháp đổ về Trung Mỹ để tìm đường đến Mỹ.
4 Sau cuộc họp cấp bộ trưởng 20 quốc gia châu Mỹ về di cư tại Panama, nhiều nước châu Mỹ đưa ra tín hiệu tích cực trong hợp tác khu vực về di cư. Theo đó, các nước nhất trí thành lập nhóm làm việc chung để ứng phó tình trạng di cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng ở cấp châu lục, với trọng tâm là ổn định đời sống của các cộng đồng tiếp nhận người di cư và giải quyết tận gốc rễ hiện tượng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken khẳng định: Cuộc họp đã mở đường cho việc hoạch định chính sách cũng như hành động cụ thể để giải quyết vấn đề di cư và nguyên nhân của hiện tượng này. Ông Blinken cũng kêu gọi các nước phối hợp xuyên suốt, bao gồm cả ngành ngân hàng, để mang lại nhiều cơ hội hơn cho người dân. Trong khuôn khổ sự kiện, Chính phủ Mỹ và Panama đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường quản lý tình trạng di cư bất hợp pháp. Trước đó, Mỹ và Costa Rica cũng ký một thỏa thuận tương tự.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/the-gioi-tuan-qua/xu-the-hop-tac-695023/