Xu thế hướng dẫn viên du lịch ảo
Sử dụng ứng dụng hướng dẫn viên ảo là xu thế chung của thế giới, thế nhưng theo đánh giá rất khó để thay thế hướng dẫn viên thật.
Các ứng dụng du lịch thông minh ngày càng nở rộ ở Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu cho ngành công nghiệp không khói phát triển. Trong đó, tour guide ảo (hướng dẫn viên (HDV) ảo) là sản phẩm công nghệ giúp khách du lịch có thể tự đi du lịch dễ dàng, thoải mái theo đúng sở thích và tiết kiệm chi phí.
Khám phá thế giới với chi phí thấp
TP.HCM đã triển khai nhiều HDV ảo ở chương trình xe buýt hai tầng, điểm đến của tour Biệt động Sài Gòn, bảo tàng... hỗ trợ du khách có trải nghiệm mới.
Sau dịch COVID-19, nhiều du khách thích trải nghiệm du lịch tự túc hơn là đi tour. Tuy nhiên, du lịch tự túc rất cần thuê một HDV cho việc thuyết minh và dẫn đường. Ứng dụng HDV ảo giúp du khách có thể ngao du một mình nhưng vẫn nắm được thông tin về điểm đến.
Vì vậy, sàn du lịch Tatinta đã ra mắt ứng dụng tour guide ảo Tatinta giúp du khách thuận tiện khám phá các điểm đến trong nước và quốc tế với chi phí thấp và giúp các HDV thật có thêm thu nhập. Bởi các HDV thật hoặc những người yêu thích du lịch có thể đăng bài thuyết minh về điểm đến lên ứng dụng này và nhận tiền mỗi khi khách du lịch tải bài.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT, nhà sáng lập Công ty CP Tatinta, cho biết ứng dụng có thể thuyết minh miễn phí cho hơn 5.000 điểm tham quan với hàng trăm tuyến tour của 150 TP du lịch. Đặc biệt, ứng dụng thuyết minh bằng tiếng Việt phục vụ cho du khách Việt đi du lịch nước ngoài và tiếng Anh cho du khách quốc tế vào Việt Nam.
Anh Bùi Công Trí (ngụ quận 1, TP.HCM) hào hứng chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với bạn HDV ảo. Tôi sắp có chuyến du lịch ngắn ngày ở Quảng Ninh nên thử dùng ứng dụng. Trước khi đi mình đã thử tour ảo khám phá vịnh Hạ Long, trải nghiệm quả nhiên rất mới và thú vị. HDV ảo gợi ý lịch trình chi tiết của chuyến đi, chúng ta có thể lựa chọn và không mất thời gian sắp xếp kế hoạch nữa”.
Hấp dẫn nhưng khó thay thế
Bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch TP.HCM), cho biết ứng dụng HDV ảo sẽ tăng trải nghiệm cho du khách inbound (khách du lịch đến Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam du lịch nước ngoài).
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách du lịch lẫn HDV, đặc biệt khi có HDV ảo sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, cũng như có thể du lịch bất kỳ đâu. Sở Du lịch đã liên tục làm mới và tăng cường các tính năng cho app du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp.
TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, đánh giá: Sử dụng HDV ảo là xu thế chung của thế giới, nhất là trong bối cảnh phát triển du lịch thông minh. Ứng dụng mang tính hệ thống, trực quan và sinh động, ưu việt hơn so với Google. Khi du lịch tự túc tiết kiệm thời gian và chi phí hơn.
TS Minh cho hay thông thường HDV ảo gắn liền với bảo tàng, điểm đến du lịch cố định, thay thế dần cho người thuyết minh, HDV tại điểm đến. Tuy nhiên dù hấp dẫn đến đâu thì HDV ảo cũng khó thay thế được HDV thật.
“HDV thật có thế giới nội tâm, có chiều sâu cảm xúc và tương tác liên tục với du khách để đem lại sự trải nghiệm trọn vẹn. Ứng dụng HDV ảo chỉ đưa thông tin một chiều, dù có thông tin phản hồi với du khách cũng sẽ khá lúng túng, khó xử lý” - TS Minh nói.
Vì vậy, theo một số chuyên gia, HDV ảo sẽ là một biện pháp tiếp thị, hỗ trợ và phát triển song song với HDV thật giúp khách hàng lựa chọn được nơi mình muốn đến, mở rộng phân khúc khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng cho rằng nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách ngày càng thay đổi, nhất là nhóm khách trẻ. Trước thực tế này, ngành du lịch cũng nỗ lực chuyển mình với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Có thể kể đến là việc thực hiện ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch.•
Bảo tàng ở TP.HCM thu hút du khách bằng công nghệ
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ở TP.HCM đang kết hợp máy hologram trong không gian trưng bày để phục vụ du khách. Hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử qua máy hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR).
Bảo tàng Áo dài Việt Nam cũng áp dụng công nghệ giúp du khách trong và ngoài nước tiếp cận hiện vật theo hình thức hấp dẫn. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng, cho rằng chắc chắn công nghệ sẽ cung cấp được thông tin mong muốn cho du khách.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh quận 3 (TP.HCM) thì tái hiện về năm nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh…
Tương tự, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng triển khai thử nghiệm dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”; đưa vào thử nghiệm mô hình robot sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-the-huong-dan-vien-du-lich-ao-post766769.html