Xu thế nắng nóng, thiên tai bất thường trong tháng 4/2024 có gì đáng lưu ý?
Theo cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 4/2024, trên toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, có thể ảnh hưởng đến hoạt động dân sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ngày 11/3, chuyên gia Trần Thị Chúc - Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết từ nay đến ngày 30/4, áp thấp phía Tây có xu hướng hoạt động mạnh dần nên nắng nóng xuất hiện và gia tăng nhiều hơn. Trên toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, có thể ảnh hưởng đến sản xuất, hoạt động dân sinh.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong khoảng thời gian dự báo trên, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1-2 độ C.
Tâm điểm của nắng nóng sẽ xuất hiện và gia tăng nhiều tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, bởi mùa mưa chưa có dấu hiệu bắt đầu.
Đáng chú ý, theo nhận định của cơ quan khí tượng quốc gia, trong điều kiện nắng nóng gia tăng nhiều ngày, nguy cơ cao sẽ kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Tuy vậy, chuyên gia dự báo khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng lưu ý trong thời kỳ dự báo từ nay đến ngày 30/4, nhiều khả năng không khí lạnh sẽ hoạt động với cường độ yếu và lệch về phía Đông.
Đáng chú ý, không khí lạnh vẫn có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ở Bắc Biển Đông, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Ngoài ra trên toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động dân sinh.
Theo dự báo, tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 10-20mm; riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 30-60mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trước đó, trong tháng 3/2024 đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh vào ngày 6/3 và ngày 19/3. Các đợt không khí lạnh trong tháng Ba có cường độ yếu hơn hẳn so với tháng Hai. Thực tế cho thấy ngoài đợt không khí lạnh trong giai đoạn cuối tháng Hai gây ra đợt rét đậm, rét hại cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong những ngày đầu tháng Ba, các đợt không khí lạnh không gây ra ngày rét đậm, rét hại.
Về nắng nóng, trong tháng 3/2024, khu vực miền Đông Nam Bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; trong đó ngày các từ 26-27/3, nắng nóng xuất hiện diện rộng lan sang cả khu vực miền Tây Nam Bộ.
Cũng trong tháng Ba, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đã xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C; riêng ngày 5/3 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng, sang ngày 6/3 nắng nóng duy trì ở khu vực Trung Trung Bộ.
Từ ngày 31/3, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và các tỉnh Nghệ An-Quảng Ngãi xảy ra nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; nhiều khả năng đợt nắng nóng này còn kéo dài sang những ngày đầu tháng Tư. Đáng lưu ý, trong các đợt nắng nóng này, một số trạm đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử.
Trong tháng 3/2024, trên phạm vi toàn quốc cũng đã xảy ra nhiều trận dông, lốc và mưa đá tập trung chính ở các tỉnh phía Bắc.
Lý giải về hiện tượng trên, chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hiện nay, các tỉnh vùng núi phía Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung đang trải qua thời kỳ chuyển mùa, từ trạng thái mùa Xuân sang mùa Hè.
Trong quá trình chuyển mùa đó, các tỉnh miền Bắc sẽ xảy ra hiện tượng dông, lốc, mưa đá thường xuyên hơn, tập trung từ tháng Ba đến tháng Năm, cao điểm vào tháng 4/2024.
Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng dông, lốc, mưa đá là do không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống trên nền nhiệt độ tương đối cao ở Bắc Bộ, tạo điều kiện cho các khối khí xáo trộn mạnh, từ đó những đám mây đối lưu phát triển, gây ra những trận mưa dông kèm theo sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ông Hưởng cũng lưu ý thời gian tới, hầu khắp cả nước sẽ có sự chuyển pha về thời tiết. Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển từ thời tiết giá lạnh sang ấm hơn. Nam Bộ chuyển sang thời kỳ từ khô sang ẩm. Do đó, xác suất xảy ra dông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh sẽ nhiều hơn, tập trung cao điểm vào khoảng tháng Tư, tháng Năm./.