Xu thế số hóa kênh bán lẻ tại thành phố lớn

TS. Tô Thị Thùy Trang - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, xu thế số hóa kênh phân phối, bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn trong cả nước gần đây đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

Điều này cho thấy các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang chú trọng kết nối và gắn kết mối quan hệ trực tiếp với mạng lưới điểm bán lẻ. Từ đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tập hợp thông tin khách hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chiến lược chuyển đổi số trong phân phối, bán lẻ. Bởi thực tế, chuyển đổi số giúp các đơn vị giảm chi phí, tối ưu hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, việc lựa chọn số hóa ở khâu nào trong chuỗi phân phối, bán lẻ để tạo ra mô hình kinh doanh hiệu quả, nhất là khai thác thị trường bán lẻ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), đang là câu hỏi lớn đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay TP. Hồ Chí Minh có hệ thống điểm bán hàng được phân bố rộng khắp trên địa bàn 22 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, bao gồm 2.357 siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi; 232 chợ dân sinh và 28.700 cửa hàng bách hóa. TP. Hồ Chí Minh cũng có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn gồm: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền. Các kênh bán lẻ truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hóa chiếm khoảng 75%, trong khi các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chỉ chiếm khoảng 25%. Dư địa phát triển của ngành này ở kênh phân phối hiện đại vẫn còn nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu từ TMĐT lên đến 30%. Bên cạnh đó, sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp thể hiện ở khả năng kết nối người tiêu dùng đầu cuối, bởi bản chất của sàn TMĐT cũng chỉ là nơi để bán hàng. Khi các đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển xu hướng đa kênh phân phối, bán lẻ khác nhau sẽ có những dòng sản phẩm khác nhau. Trong đó, với đa phần mạng lưới truyền thống, những mặt hàng cao cấp thường không phải là xương sống của đơn vị kinh doanh. Hay với nhóm mặt hàng mới, các đơn vị thường đẩy lên sàn TMĐT nhiều hơn và chấp nhận chi phí đầu tư cao trên kênh này. Đồng thời, trong xu thế số hóa kênh phân phối, bán lẻ, gần đây nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đang tập trung triển khai mạnh mẽ.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biển tại các kênh bán lẻ

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biển tại các kênh bán lẻ

Theo thống kê hiện kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tiện lợi… chiếm 20% doanh số, với mức tăng trưởng trên 10%. Kênh hiện đại gồm 4 loại hình chính là hypermarket (Big C, Co.opXtra, Aeon Mall…), minimart (Vinmart+, Co.op Food…), cửa hàng tiện lợi (Circle K, MiniStop), chuỗi cửa hàng (Hasaki, Watsons, Nguyễn Kim…). Trong đó, khác với cửa hàng tiện lợi, đặc điểm chính của kênh minimart là không bán thực phẩm, thức uống ăn liền hay phục vụ 24/7. Tương tự, chuỗi cửa hàng cũng không bán thực phẩm.

Đối với kênh TMĐT, tần suất mua sắm bình quân là 7,25 lần/tháng, tăng 82,2% so với 5 năm trước, hiện đang trở thành kênh mua sắm thịnh hành và được yêu thích của giới trẻ. Trước đây, TMĐT còn khá mới mẻ và ít phổ biến, nhưng hiện nay, nhờ sự bùng nổ của các sàn TMĐT, các ứng dụng mua và giao hàng tiện lợi, cùng một số ưu điểm như tiết kiệm thời gian, thao tác nhanh, được xem đánh giá sản phẩm, các voucher giảm giá và khuyến mãi thường xuyên… Vì vậy, TMĐT là một kênh mua sắm không thể thiếu trong sự lựa chọn của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Đặc biệt, số hóa kênh phân phối, bán lẻ còn thể hiện rõ qua phương thức thanh toán. Nếu như ở chợ, phương thức thanh toán chủ yếu vẫn là tiền mặt, thì tại các kênh bán lẻ đã dần chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử và các phương thức thanh toán qua QR Code. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các kênh này chiếm khoảng 63-67% tổng giao dịch. Riêng đối với kênh TMĐT, phương thức thanh toán không tiền mặt chiếm ưu thế, trong đó chuyển khoản và ví điện tử là hai hình thức được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ từ 63-69% tổng giao dịch.

“Như vậy, có thể thấy rằng, trong khi chợ vẫn duy trì sự phụ thuộc vào thanh toán tiền mặt do thói quen tiêu dùng và thiếu tiếp cận công nghệ, thì các kênh bán lẻ hiện đại đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng số hóa. Việc áp dụng rộng rãi phương thức thanh toán không tiền mặt không chỉ mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn phản ánh sự phát triển vượt bậc của TMĐT và kinh tế số hiện nay”, TS. Trang phân tích.

Tuyết Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xu-the-so-hoa-kenh-ban-le-tai-thanh-pho-lon-159561.html