Xu thế thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ giao thông
Thời gian gần đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt dần trở thành xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt vì nhiều lợi ích khác nhau, như tiện lợi trong thanh toán, an toàn bảo mật thông tin, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng và ngăn chặn hiệu quả vấn nạn tiền giả,…
Một số quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã sớm áp dụng nền kinh tế không tiền mặt như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore,... Bắt kịp xu hướng này, Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu được ghi nhận.
Xu thế tất yếu
Từ cuối năm 2016, khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, loại hình thanh toán này bắt đầu được sử dụng nhiều hơn. Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, thanh toán điện tử đã thật sự “bùng nổ”, mang lại sự tiện lợi, nhanh gọn cho các giao dịch tài chính, thương mại của cá nhân và doanh nghiệp.
Với định hướng của Chính phủ, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang ghi nhận những thay đổi tích cực khi các phương thức thanh toán mới “phủ sóng” rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Từ các trung tâm mua sắm, cửa hàng, quán ăn, tới các tiệm nhỏ, chợ truyền thống, phương thức thanh toán điện tử đã trở nên quen thuộc. Người dùng có thể dễ dàng sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, chuyển khoản, quét mã QR,... để thanh toán nhanh chóng, an toàn mà không cần mang theo tiền mặt.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023.
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Làn sóng thanh toán không tiền mặt không chỉ là kết quả của những tiến bộ về mặt công nghệ, mà còn chuyển dịch để mang đến sự minh bạch trong chi tiêu giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán hiệu quả cho các cá nhân tổ chức.
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là phương thức giúp Nhà nước dễ dàng quản lý, giám sát, thúc đẩy đổi mới toàn bộ nền kinh tế, từ đó cho phép nỗ lực số hóa kinh tế của Việt Nam diễn ra nhanh chóng và bền vững hơn.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam (giai đoạn 2021-2025) đã đưa ra mục tiêu rất tham vọng: Cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên hơn 450 nghìn điểm.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thanh toán qua kênh internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị,...
Triển vọng tích hợp các dịch vụ giao thông
Không nằm ngoài xu thế chung, lĩnh vực giao thông từ lâu đã áp dụng phương thức thu phí/thanh toán không tiền mặt như dịch vụ "thu phí không dừng" (ETC) tại các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên cả nước. Đến nay, xu hướng này ngày càng được mở rộng với việc ứng dụng thu phí gửi xe không tiền mặt.
Trong tương lai gần, người dân có thể kỳ vọng xuất hiện nhiều hơn nữa các hình thức thanh toán không tiền mặt được tích hợp vào các dịch vụ giao thông công cộng, như phí ra vào cảng hàng không, sân bay, thanh toán xăng dầu,… Điều này không chỉ mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dân mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông do không phải dừng lại để trả tiền mặt.
Công nghệ phát triển không ngừng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước nghiên cứu, cải thiện sản phẩm và dịch vụ để tối ưu các giải pháp thanh toán. Đơn cử, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí không dừng (VETC) đã tận dụng nền tảng dịch vụ ETC có sẵn, đặt mục tiêu mở rộng “thanh toán không dừng” trong các dịch vụ về giao thông, nhằm thay thế cho các hình thức thanh toán như QR, chuyển khoản,…
VETC đã thí điểm thành công và đang trong quá trình mở rộng dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt tại Thủ đô Hà Nội, các điểm du lịch như Sa Pa, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, sắp tới là Thành phố Hồ Chí Minh. Việc mở rộng ứng dụng sang lĩnh vực gửi xe không tiền mặt cho thấy một xu hướng rõ ràng: người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn sự tiện lợi và nhanh chóng trong các giao dịch.
"Với nền tảng và trình độ công nghệ như hiện nay, hoàn toàn không khó khi áp dụng đại trà giải pháp “không dừng”. Việt Nam với 70% dân số trẻ, người dân đã và đang đón nhận dịch vụ, công nghệ mới một cách tích cực, cởi mở và đây chính là cơ hội để lan tỏa xu hướng, phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến, tiếp tục thay đổi thói quen người tiêu dùng, từ công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đến truyền thông".
Đại diện lãnh đạo Công ty VETC
Chị Nguyễn Thu Hồng (trú tại phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: Mấy năm nay, tôi đã quen nếp thanh toán, mua bán dịch vụ hằng ngày bằng mã QR. Tuy nhiên, nhiều khi có việc đi đâu đó phải gửi xe máy, chỉ mất có 5.000 đồng nhưng thường tôi không đem tiền theo người, bãi đỗ xe lại không nhận chuyển khoản nên rất bất tiện. Gần đây, tôi thấy dịch vụ gửi xe không tiền mặt đang được mở rộng ở nhiều tuyến phố Hà Nội, người dân như chúng tôi thấy rất hay, tiện lợi và mong dịch vụ này thay thế cho hình thức trông giữ xe truyền thống.
Anh Hoàng Anh (trú tại Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cũng bày tỏ: Cuối tuần vừa qua, tôi tự lái xe đưa vợ con đi du lịch, nghỉ ngơi ở Sa Pa. Tôi đi lại nhiều trên các tuyến đường cao tốc, quen thuộc với việc sử dụng dịch vụ thu phí ETC, nhưng lần này đưa gia đình lên Sa Pa, tôi thấy có dịch vụ gửi xe không tiền mặt của VETC ở gần khách sạn nên tò mò vào gửi đi dạo và café quanh đó. Được các bạn nhân viên hướng dẫn, tôi mới biết khi ra vào bãi đỗ có thể thanh toán phí gửi xe tự động y hệt như thanh toán phí cao tốc, không phải dừng chờ. Ở góc độ một khách du lịch, tôi rất ủng hộ việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào những dịch vụ thiết thực cho người dân, giúp trải nghiệm du lịch của gia đình tôi thoải mái hơn rất nhiều.
Đại diện lãnh đạo VETC cho biết, với nền tảng và trình độ công nghệ như hiện nay, hoàn toàn không khó khi áp dụng đại trà giải pháp “không dừng” này. Việt Nam với 70% dân số trẻ, người dân đã và đang đón nhận dịch vụ, công nghệ mới một cách tích cực, cởi mở và đây chính là cơ hội để lan tỏa xu hướng, phát triển dịch vụ.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến, tiếp tục thay đổi thói quen người tiêu dùng, từ công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đến truyền thông.
Trước mắt, nên ưu tiên triển khai rộng rãi tại các thành phố lớn nơi có dân trí cao, tiếp cận công nghệ sớm hơn. Đơn vị chức năng và doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, góp phần làm giảm tâm lý e ngại rủi ro, thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của 1 bộ phận người dân còn e dè với xu hướng mới này. Các cơ quan quản lý tuyên truyền, phân tích sâu, rõ nét về lợi ích, hiệu quả của thanh toán không tiền mặt để người dân hiểu và ủng hộ phương thức, dịch vụ mới; cũng như đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp người dân làm quen và thích ứng với dịch vụ này. Đồng thời, những ý kiến phản hồi, góp ý của người dân đối với dịch vụ cần được chú trọng lắng nghe để điều chỉnh, cập nhật kịp thời cho phù hợp thực tiễn.