Xu thế việc làm trong thời kỳ số

Cán cân giữa lao động chính thức và phi chính thức đang có sự dịch chuyển không chỉ phạm vi cả nước mà ngay ở địa phương. Nhất là khi có nhiều ngành nghề mới hình thành trong thời đại công nghệ số, người lao động càng phải chủ động, thích ứng, tự học để duy trì công việc và thu nhập ổn định.

 Thu ngân - một trong những vị trí đang dần giảm bớt lao động tại một số doanh nghiệp

Thu ngân - một trong những vị trí đang dần giảm bớt lao động tại một số doanh nghiệp

Bám thị trường lao động

Mới nghỉ việc chưa đầy 3 tháng tại một công ty ở miền Nam, chị Nguyễn Thu Thủy (Phú Vang) đã thấy bứt rứt khó chịu. Để tránh "nhàn cư", trong thời gian chờ tìm được công việc mới phù hợp, chị Thủy tham gia khóa tin học văn phòng và ngoại ngữ. "Dù đang tìm kiếm và ứng tuyển vị trí lao động phổ thông, nhưng bây giờ nếu biết thêm công nghệ thông tin, ngoại ngữ chắc chắn vẫn giúp ích cho mình trong công việc và tăng khả năng thăng tiến, được công ty tuyển dụng đánh giá cao", chị Thủy giãi bày.

Cũng như chị Thủy, hiện nay, nhiều bạn trẻ ra trường chưa có việc hay đang đi làm cũng tranh thủ học thêm bằng hai, bằng ba, hay chứng chỉ ngành nghề mới để phục vụ công việc chuyên môn. Bởi mặc dù kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc song vẫn còn đối mặt với khó khăn, thách thức mới, tình hình việc làm vẫn còn bấp bênh.

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, trong năm 2024, thành phố Huế đã kết nối giải quyết việc làm cho 17.398 người lao động, đạt 102% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, tăng 2,14% so với năm 2023. Trong đó, đưa 2.362 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 115,2% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động còn thấp, tình trạng thất nghiệp, mất cân đối cung - cầu lao động, thiếu hụt lao động cục bộ trong một số thời điểm vẫn còn xảy ra. Số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định.

Không riêng TP. Huế, theo thống kê toàn ngành, lao động phi chính thức nước ta chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60% tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tuy nhiên, một khởi sắc đáng mừng là tình trạng lao động buộc nghỉ, giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024 đã giảm nhiệt.

Để có được thông tin về thị trường nguồn lao động, dự báo nhu cầu lao động đến với người dân, địa phương và ngành lao động cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác. Dữ liệu này sẽ cung cấp kịp thời cho người lao động cũng như học sinh, sinh viên thông tin về đào tạo, nhân lực, việc làm và chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, của các bộ ngành, địa phương... để có định hướng gia nhập thị trường lao động hiệu quả.

Gợi mở ngành nghề đào tạo phù hợp

Theo dự báo, trong 5 năm tới, 83 triệu việc làm có thể mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, đồng thời 69 triệu việc làm mới được tạo ra. Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này khá đa dạng. Đáng chú ý nhất có lẽ phải kể đến xu hướng dịch chuyển kinh doanh theo hướng xanh hơn, bền vững hơn được dự báo sẽ khiến những doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều vị trí mới. Các chuỗi cung ứng được sắp xếp, phân bổ lại cũng góp phần tạo thêm việc làm trong những năm tới đây.

Cũng theo phân tích của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới. Điển hình nhất là xu hướng tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến các công việc tay chân. Những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai, như: chuyên viên về AI và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính... Những công việc được dự báo sẽ dễ bị thay thế nhất, như: Nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký...

Để đón đầu và đáp ứng được xu thế chuyển dịch lao động cũng như nhu cầu doanh nghiệp, TP. Huế tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nguồn lực lao động hợp lý tại địa phương. Theo gợi mở của các chuyên gia, thành phố cần gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức điều tra khảo sát nhân lực hiện đang làm việc và nhu cầu nhân lực trong các năm tới để có định hướng trong việc phân bổ nhân lực hợp lý về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút nguồn nhân lực từ nơi thừa sang nơi thiếu; từ thành thị, đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, nhân lực tại chỗ... cũng cần được ban hành nhằm cân đối, hài hòa thị trường lao động.

Về phía các đơn vị dạy nghề trên địa bàn, để sống còn và phát triển đòi hỏi không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo theo nhu cầu. Đây là yêu cầu tất yếu, tạo sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế. Đại diện Hội đồng giáo dục nghề nghiệp TP. Huế cho hay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đang tập trung đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với khung trình độ quốc gia. Trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm, các nghề có trong danh mục của hội thi tay nghề ASEAN...

Chính quyền cũng đang tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm. Từ đó, hình thành các trường đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, làm hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng, hợp tác quốc tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, phù hợp nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/xu-the-viec-lam-trong-thoi-ky-so-149812.html