Xử trí ra sao khi bị chó cắn?

Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút.

Hỏi:

Tôi thấy nhiều trường hợp bị cho cắn sau vài tuần thì phát hiện mắc bệnh dại, nguy hiểm tính mạng. Vậy, nếu không may bị chó cắn cần phải làm gì để phòng bệnh dại, thưa bác sĩ?

Trần Hạnh (Hà Nội)

Sát trùng vết thương sau khi bị chó cắn

Sát trùng vết thương sau khi bị chó cắn

BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM trả lời:

Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển tại hầu hết các tỉnh, thành. Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo.

Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ.

Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của virus dại.

Chính vì vậy, ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút.

Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Biện pháp duy nhất để cứu người bị chó dại cắn là tiêm vaccine và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Bệnh dại không thể cứu được khi đã phát bệnh và tỷ lệ tử vong là 100%.

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-ho-kinh-doanh-nha-hang-quan-an-gui-thu-cam-on-chu-tich-tinh-bac-lieu-d590046.html