Xử trí thế nào khi xuất hiện F0 trong trường học?
Việc trở lại trường học dù đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng trong bối cảnh mỗi ngày vẫn có gần 30.000 ca F0 khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm.
Đến ngày 14/2, khoảng 20 triệu học sinh ở các cấp học đồng loạt trở lại trường học, trong bối cảnh ca mắc mới tiếp tục tăng cao.
Điều khiến nhiều bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu hiện nay là nếu không may trong trường xuất hiện F0, việc xử trí, điều trị cho các cháu ra sao?
Một học sinh mắc, không đóng cửa cả trường
Từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 - 12 trên toàn quốc trở lại trường học và dự kiến học sinh các cấp đến trường từ ngày 14/2. Sau 1 tuần đón học sinh, các hoạt động giáo dục đang dần thích ứng với tình hình dịch, xử trí gọn các ca mắc Covid-19.
Tại Hà Nội, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho hay, trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại, đã xuất hiện tình huống có học sinh là F0.
Cụ thể tại lớp 7A5 Trường THCS Thăng Long, học sinh đến trường lúc 7h15 nhưng đến 9h được phụ huynh đón về để test nhanh do gia đình có người nhà là F0. Kết quả xác định học sinh này dương tính.
Sau đó, qua rà soát, các học sinh tiếp xúc gần với F0 được cho ở nhà chuyển sang học trực tuyến. Theo ông Thuận, các trường học trên địa bàn đã diễn tập xử lý các tình huống khi phát hiện F0 tại trường, do vậy nếu xảy ra tình huống tương tự cũng sẽ xử lý theo phương án này.
Ông Lê Hồng Chung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các trường học đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí an toàn trước khi mở cửa đón học sinh trở lại, đồng thời xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra và phương án ứng phó.
Riêng trường hợp phát hiện F0, các trường phải báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương; phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0. Diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0.
Tùy tình hình dịch tễ có thể tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên hoặc theo khu hoặc dãy lớp học hoặc theo từng tầng...
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, để chuẩn bị cho việc trở lại trường an toàn, về phía ngành Y tế, Cục Quản lý môi trường Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn trong mỗi trường. Cục Y tế dự phòng có hướng dẫn chi tiết quy trình xử lý khi phát hiện ca nhiễm trong từng lớp học, trường.
“Việc xử lý ca nhiễm dựa trên nguyên tắc khoanh vùng thật hẹp. Không phải một cháu mắc cả trường đóng cửa nghỉ học. Hướng mới là kiểm soát từ gia đình, trên đường đi, đến trường học và đi về, cố gắng làm sao đảm bảo an toàn. Khi gia đình phát hiện con có dấu hiệu của bệnh thì nên báo ngay cho thầy cô giáo, nhà trường, cho con ở nhà theo dõi, nếu cần y tế sẽ kiểm tra”, ông Sơn nhấn mạnh.
Phương án điều trị nếu học sinh mắc đồng loạt
Việc trở lại trường học dù đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng trong bối cảnh mỗi ngày vẫn có gần 30.000 ca F0 khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, với tình hình hiện nay, để đảm bảo không có ca nhiễm trong trường học là rất khó, nhất là với chủng Omicron, nên cần thích ứng an toàn.
Trên thực tế, khi 20 triệu học sinh trở lại trường thì số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên, bởi thực tế trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K…
Đặc biệt, vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường khi về gia đình có thể lây bệnh cho người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi hơn và phụ nữ mang thai, những đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine Covid-19.
Theo Thứ trưởng Sơn, mặc dù đến nay tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19, số ca bệnh diễn biến nặng thấp nhưng vẫn có nguy cơ trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều.
Do vậy, việc phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc phải được chú trọng. Hiện địa phương đã thực hiện các yêu cầu chung như tiêm vaccine; tập huấn các tình huống để xử trí khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học, trường học…
“Hiện Cục Khám chữa bệnh đang tiếp tục cập nhật thêm quy trình theo dõi, điều trị nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho trẻ. Thuốc điều trị đặc hiệu vốn sử dụng cho người lớn thì không dùng trên trẻ nhỏ được, nên chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Trong trường hợp trở nặng, có thể thuốc đặc hiệu hơn như kháng thể đơn dòng sẽ được chỉ định”, ông Sơn cho biết.
Để ứng phó trước tình huống ca mắc ở trẻ tăng cao, Bộ Y tế chỉ đạo cho Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tổ chức các lớp tập huấn với các cơ sở y tế địa phương để thích ứng điều trị bệnh nhi nặng hoặc rất nặng cần phải sử dụng đến các biện pháp thở máy, lọc thận chậm hoặc ECMO…
“Để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, hệ thống y tế vừa được chuẩn bị về mặt số lượng, đồng thời nâng cao về chất lượng ở tuyến điều trị bệnh nhi”, ông Sơn nói và cho biết, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo về mặt khoa học, bảo đảm hiệu quả, thực hiện thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu.
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập Tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch tại các trường học, bảo đảm bố trí đủ cán bộ y tế học đường.
Nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát học sinh thực hiện các quy định phòng, chống dịch, quy tắc “5K” và phương châm “một cung đường, hai điểm đến”, kịp thời thông báo với cơ quan y tế trên địa bàn khi học sinh có những biểu hiện nghi mắc Covid-19.