Xử vắng mặt nạn nhân, được không?

Yêu cầu xử lý hình sự người gây thương tích cho mình nhưng khi tòa xử thì người bị hại lại không thấy đâu...Việc rút hay không rút yêu cầu khởi tố là quyền của người bị hại chứ không phải nghĩa vụ.

Ngày 19-9 vừa qua, TAND quận 8 (TP.HCM) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Lý Thuận (nguyên luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.

Phản ứng đáng tiếc

Theo hồ sơ, Trần Mạnh Tiến là bảo vệ của công ty đang có tranh chấp hợp đồng thuê nhà với bị cáo Thuận. Ngày 14-10-2012, sau khi uống rượu về, Tiến đi gặp bị cáo để hỏi về việc Tiến nghe nói là bị cáo thuê người đánh Tiến. Tại đây, Tiến đã dùng lời lẽ thô tục chửi bới nên bị cáo gọi tổ trưởng tổ dân phố đến giải quyết. Khi tổ trưởng tổ dân phố đến, Tiến chửi luôn và dùng tay đánh bị cáo Thuận. Bị cáo né được rồi dùng cây tre tròn (đang cầm trên tay để vớt rác) đánh vào trán Tiến gây tỉ lệ thương tật 6%.

Sau đó, Tiến không yêu cầu bồi thường mà chỉ đề nghị Công an quận 8 xử lý hình sự bị cáo Thuận. Tháng 12-2012, bị cáo đã bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích, được cho tại ngoại. Về phần Tiến, Công an quận 8 cho rằng người này có cử chỉ, lời nói thô tục xúc phạm danh dự của người khác nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nên chỉ xử phạt hành chính 150.000 đồng.

VKS quận 8 đã truy tố bị cáo Thuận về tội cố ý gây thương tích (có hai tình tiết tăng nặng định khung là dùng hung khí nguy hiểm và gây cố tật nhẹ cho nạn nhân).

Nạn nhân vắng mặt

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-9, do người bị hại, người làm chứng vắng mặt nên bị cáo, luật sư bào chữa đã yêu cầu tòa triệu tập những người nói trên. Sau khi hội ý, tòa quyết định tiếp tục xét xử mà không cần có sự tham gia của những người này.

Luật sư của bị cáo không đồng tình, cho rằng tòa cần hoãn xử hoặc tạm đình chỉ vụ án cho đến khi triệu tập được nạn nhân. Theo luật sư, đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của nạn nhân thì việc nạn nhân có mặt tại tòa là cần thiết. Từ khi vụ án chuyển qua tòa đến nay, người này không xuất hiện nên không rõ còn giữ ý định yêu cầu xử lý hình sự nữa hay không. Giả sử nạn nhân rút yêu cầu thì tòa phải đình chỉ vụ án.

Mặt khác, việc vắng mặt này của nạn nhân ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo vì không thể đối chất để làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai cũng như động cơ, mục đích phạm tội. Từ đó có thể dẫn đến việc đánh giá không khách quan, ảnh hưởng đến nguyên tắc có lợi cho bị cáo… Ngoài ra, luật sư cho rằng việc nạn nhân không chấp hành lệnh triệu tập của tòa dù tòa đã niêm yết tại địa phương là hành vi từ chối khai báo, có thể cấu thành tội từ chối khai báo theo Điều 308 BLHS.

Các lập luận trên của luật sư đều bị đại diện VKS bác bỏ. Tòa đồng tình, cho rằng nạn nhân đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên không cần thiết phải có mặt họ tại phiên xử nữa...

Có nên hoãn xử?

Theo Điều 191 BLTTHS, nếu người bị hại vắng mặt thì tùy trường hợp, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự.

Như vậy, luật trao quyền quyết định hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử cho hội đồng xét xử. Vấn đề còn lại là quyết định của tòa trong vụ việc cụ thể trên đã hợp lý hay chưa.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nghiêng về hướng tòa nên hoãn xử để làm rõ các vấn đề sau: Thứ nhất, trong những vụ án chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Như vậy, nếu nạn nhân Tiến vắng mặt khi tòa triệu tập mà không có lý do thì không biết rằng liệu nạn nhân có rút yêu cầu khởi tố hay không? Thứ hai, nếu người bị hại yêu cầu cơ quan tố tụng khởi tố mà không có mặt tại phiên xử (cũng không có đơn xin xét xử vắng mặt) thì liệu có thể xem là họ đã từ bỏ yêu cầu hay không?

Trong khi đó, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng nếu trong hồ sơ vụ án đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án của nạn nhân, có lời khai của nạn nhân tại cơ quan điều tra thì việc tòa xử vắng mặt nạn nhân không ảnh hưởng gì đến vụ án. Ông nhấn mạnh việc rút hay không rút yêu cầu khởi tố là quyền của người bị hại chứ không phải nghĩa vụ. Do đó, nạn nhân không phải bắt buộc xác nhận lại là có tiếp tục yêu cầu khởi tố hay không.

Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) nói: Theo luật thì tòa có quyền quyết định tiếp tục xử hay hoãn phiên tòa trong trường hợp người bị hại vắng mặt. Khi thật cần thiết thì tòa có thể hoãn phiên tòa hoặc tạm đình chỉ vụ án để triệu tập người bị hại hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xác minh làm rõ thêm các tình tiết liên quan. Nếu thấy đã đầy đủ chứng cứ thì giả sử người bị hại có mất tích hay chết, tòa vẫn xét xử bình thường.

Tranh cãi về hành vi tự vệ

Tại tòa, bị cáo Thuận không đồng ý với kết luận giám định tỉ lệ thương tật 6% của nạn nhân, đồng thời nói mình không phạm tội cố ý gây thương tích mà đó chỉ là hành động tự vệ khi bị nạn nhân hành hung trước.

Theo chủ tọa, việc đánh gây thương tích cho người khác là sai, nhất là đối với người có am hiểu luật pháp như bị cáo. Dù nạn nhân có lỗi trước nhưng lẽ ra bị cáo phải chọn cách hành động khác hơn như là bỏ đi nơi khác, gọi điện thoại cho công an tới can thiệp... Chủ tọa cho rằng nạn nhân dùng tay tấn công bị cáo nhưng chưa có hành vi gây thương tích cho bị cáo nên việc dùng cây đánh lại không thể nói là tự vệ được vì “không có sự tương quan lực lượng giữa hai bên”. Về kết luận giám định, chủ tọa cho rằng đã có quyết định giải quyết khiếu nại của VKS quận 8 và VKS TP với kết quả là bác khiếu nại của bị cáo nên tòa không xem xét nữa.

Từ đó, tòa đã phạt bị cáo Thuận 12 tháng tù (mức án cao nhất mà đại diện VKS đề nghị). Bị cáo Thuận cho biết sẽ kháng cáo.

NGUYỄN QUỲNH

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130923112957918p0c1063/xu-vang-mat-nan-nhan-duoc-khong.htm