Xử vụ thâu tóm 'đất vàng': Luật sư đánh giá sai phạm của thân chủ thế nào?
Tại phiên xử chiều ngày 20/8, các luật sư tiếp tục nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình trong vụ án thâu tóm 'đất vàng'.
Theo đó, tại phiên tòa chiều nay, luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, là người bào chữa cho bị cáo Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty 3/2).
Vai trò “hạn chế” của cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty 3/2
Theo luật sư Phan Trung Hoài phân tích, sau khi có chủ trương chấp thuận của Tỉnh ủy Bình Dương, đáng lẽ Tổng công ty 3/2 phải rà soát và hoàn tất các thủ tục và các yêu cầu khác liên quan việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, phải xác định giá trị toàn bộ số vốn mà Tổng công ty đã đầu tư, góp vốn theo quy định của pháp luật về thẩm định giá, bảo đảm nguyên tắc phản ánh đầy đủ giá trị thực tế của doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng công ty đã thuê đơn vị thẩm định và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận giá trị chuyển nhượng (xác định giá chuyển nhượng dự án theo phương pháp kiểm toán độc lập), dẫn đến bị coi là vi phạm pháp luật.
Do đó, khi đánh giá hành vi của các bị cáo, trong đó có Trần Nguyên Vũ, luật sư đề nghị cần xem xét thêm nhận thức và áp dụng pháp luật điều chỉnh liên quan mô hình quản lý, đặc điểm doanh nghiệp làm kinh tế Đảng và điều chỉnh quá trình góp vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng quyền sử dụng đất có những vướng mắc, bất cập nêu trên.
Ngoài ra, kết quả thẩm tra chứng cứ cũng đã làm rõ thêm quá trình và trách nhiệm của một số Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương (Chủ sở hữu) trong việc ban hành Văn bản số 407 ngày 29/7/2016 phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất, theo đó Tổng công ty 3/2 phải bàn giao khu đất 43 ha về Công ty Impco (100% vốn Nhà nước do Tỉnh ủy là Chủ sở hữu), nhưng sau này được điều chỉnh bằng Công văn 477 ngày 29/8/2016 cho phép Tổng công ty giữ lại để thực hiện chủ trương tại Công văn số 1830 ngày 17/8/2010 của Thường trực Tỉnh ủy.
Mặt khác, Trần Nguyên Vũ cũng đã nhìn nhận trách nhiệm của mình khi bị quy buộc tham gia cuộc họp HĐTV, thống nhất chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú và chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Như vậy, liên quan đến vai trò của Trần Nguyên Vũ trong việc thực hiện chủ trương qua Nghị quyết của HĐTV, được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận về việc chuyển nhượng 30% vốn của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú là phụ thuộc, hạn chế.
Bị cáo có "ý thức tích cực khắc phục hậu quả"
Trong phần bào chữa cho hai vợ chồng bị cáo là Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý, luật sư Nguyễn Văn Tú, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, nhất trí với kết luận của Viện kiểm sát về vai trò “đồng phạm giúp sức”của 2 bị cáo này.
Tuy nhiên, theo luật sư, khi xét ở giai đoạn hình thành, khởi xướng ý tưởng phạm tội, thì chỉ có một mình bị cáo Nguyễn Văn Minh, tất cả các bị cáo còn lại trong đó có cả Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý không có vai trò gì.
Trong vụ án đồng phạm này, xét từ khía cạnh hành vi thì vai trò giúp sức của họ cho nhóm bị cáo bên trên (khởi xướng, tổ chức, chỉ đạo, hành động tích cực) là thứ yếu, không đáng kể.
Hồ sơ thể hiện, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, tại CTCP Hưng Vượng, 2 bị cáo là các cổ đông thực sự, Thục Anh và Như Ý chỉ là đứng tên hộ. Bị cáo Minh có quyền tuyệt đối là 59,1% cổ phần (cá nhân 28,2% + đại diện cho Tổng công ty 30,9%). Theo luật doanh nghiệp thì CTCP có quan hệ đối vốn, do vậy, bị cáo Minh nắm giữ 59,1% là cổ đông lớn tuyệt đối, các cổ đông khác nhỏ bé bị lệ thuộc bởi tính chất đối vốn này, bị cáo Cường chỉ nắm giữ 17,1% không thể chi phối được. Đó là quan hệ sở hữu, đại diện vốn.
Về quan hệ quản lý thì cũng ở giai đoạn tháng 12/2015 -tháng 5/2019 thì bị cáo Minh giữ chức danh quản lý cao nhất là Chủ tịch Công ty, đại diện pháp luật, bị cáo Cường không giữ chức danh cao, chỉ là nhân viên, thuộc cấp của bị cáo Minh.
Các hành vi phạm tội xảy ra vào thời gian từ 2017 đến cuối năm 2018. Đây là giai đoạn bị cáo Cường không có vai trò quyết định tại Công ty Hưng Vượng mà là cổ đông nhỏ, là nhân viên, thuộc cấp.
Khi Trần Đình Như Ý không có công việc tại Công ty Phát Triển, Công ty Hưng Vượng và cũng chỉ đứng tên hộ chồng. Tương tự như Nguyễn Thục Anh không có công việc tại Công ty Phát Triển, Công ty Hưng Vượng mà chỉ đứng tên hộ Ba.
Cáo trạng kết luận số tiền tham ô là 815 tỷ có lẻ và dòng tiền này được CQĐT điều tra xác minh rất rõ ràng trong hồ sơ. Xét dòng tiền đó thấy rằng, người hưởng lợi thực tế là các bị cáo Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải; các bị cáo Thục Anh, Như Ý, Hồng Cường thực tế không hưởng lợi đồng nào, ba bị cáo rõ ràng từ đầu đến cuối đều không có ý định tham ô.
Cáo trạng đã kết luận khi vụ việc được phát hiện mặc dù chưa khởi tố vụ án nào thì hậu quả vụ án đã được khắc phục toàn bộ với số tiền là 964 tỷ đồng bao gồm cả tiền khắc phục và tiền lãi phát sinh.
Như vậy, 4 bị cáo Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thục Anh, Hồng Cường và Như Ý đã có ý thức tích cực khắc phục hậu quả ngay từ khi vụ việc được phát hiện; trong đó vai trò tích cực đặc biệt là bị cáo Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý.