Xưa đẹp một con đường

Đời người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành có nhiều con đường để đi qua. Và thương lưu dấu nhớ. Điều đó đã hẳn. Nhưng với tôi, có một con đường chưa từng đi qua lại làm thành một vệt nhớ trong tim, ngày một hằn lên đậm nét, bóng thời gian càng khiến cái nhớ thêm đầy. Đó là con đường về với trường Nguyễn Hoàng một thuở xưa.

 Nữ sinh-Ảnh: VÕ MINH HOÀN

Nữ sinh-Ảnh: VÕ MINH HOÀN

Tôi thuộc thế hệ em út xa sau. Khi tôi sinh ra, lớn lên, biết đến cái tên Nguyễn Hoàng chỉ là biết đến một vị chúa đã đặt bước chân đầu lên trấn Ái Tử và để lại một địa danh đầy những dòng mưa, cát trắng, bụi nhòe mà đẹp như sử thi. Mãi đến lúc dọn nhà về Đông Hà, sống một quãng không dài, thì con đường nối dài từ thị xã gió Lào vào đến vùng cỏ non Thành Cổ chợt nhiên trở thành ân tình bởi một góc trường rêu cũ với cái tên chỉ còn trong kỷ niệm. Từ đó, tôi gọi Nguyễn Hoàng thành một cái tên cho những lứa người đã ra đi từ ngôi trường này bằng sự ái mộ bật khởi tự tâm thức.

Không biết duyên cớ làm sao, tôi thường quen và chơi “hạp” với những người lớn tuổi. Và cũng không hiểu duyên nợ ra làm sao, dù chỉ ở Đông Hà vỏn vẹn 6 năm, mười mấy năm sau là đi đi về về, nhưng tôi lại yêu cái xứ gió Lào cát trắng nắng bỏng chân đến vậy. Đến mức đi đâu cũng nghĩ mình là người Quảng Trị “gốc”. Nên gặp một ai Quảng Trị đó, tay bắt mặt mừng xong, nghe nói xưa là dân Nguyễn Hoàng, thì lại cứ dâng lên trong mình một nỗi vui thầm kín.

Bởi từ cái tên này, tôi đã gặp và biết nhiều người mang dáng dấp phong trần và tâm hồn phóng khoáng rất hào hiệp của con người mang đặc trưng xứ này. Người Quảng Trị chân chất mộc mạc, nên tâm hồn của những cô cậu học trò Nguyễn Hoàng xưa cũng chất phác dễ gần. Và trong những câu chuyện của một thời mười lăm mới lớn, tôi đã gặp câu chuyện của một người thầy xưa từng làm giáo sinh thực tập ở đó. Người thầy vỏn vẹn có ba tháng làm giáo sinh rồi theo dòng chảy biệt ly xuôi ngược, từ bấy đến giờ chưa một lần theo con nước trở về, nhưng đã kịp để lại đó một đôi mắt nâu biết nói rớt vào trang vở học trò của một cô bé con. Trong lời người kể, cô bé con trùng tên với tôi, cùng độ tuổi tôi và dĩ nhiên, cũng bắt đầu một thời hoa mộng với biết bao thêu dệt tự trong tim qua những tháng ngày êm đềm áo trắng hồn nhiên bên sách vở. Câu chuyện rủ rỉ qua thời gian khiến đôi lúc tôi ngày ấy rơi vào vùng ma mị một câu chuyện tình trong veo của đôi mắt nâu và bím tóc xanh huyền ảo. Nhưng người thầy ấy thì không, bao giờ giữa những quãng ngừng của câu chuyện vẫn là một tiếng thở dài nén lặng. Vẫn đôi mắt nâu giờ hằn nét chân chim, giọng miền Nam lâu ngày pha chút ngữ âm miền Trung nằng nặng, thầy cứ băn khoăn thầm thỉ hỏi: Bím tóc xanh ngày ấy giờ đâu? Bím tóc mang tên dòng sông xanh không biết chảy theo dòng nào?

Đời thì nhiều dòng chảy. Mỗi dòng mang theo một thân phận khác nhau. Cần chi phải tìm trong cổ sử mới ra bóng giai nhân. Cái đẹp đã nằm trong tâm tưởng. Và chính tâm tưởng đó là hạt giống ươm mầm tốt sống mãi với thời gian của một đời người. Cũng như từ câu chuyện của người thầy mắt nâu, tôi đã có một ký ức đẹp của những tháng ngày hờ làm bím tóc xanh.

Để mùa xuân này, tôi mang theo trong mình một nỗi nhớ về con đường rất đẹp mà mình chưa từng được đi qua.

Đông Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155401