'Xua tan' nỗi lo dị ứng thực phẩm ngày lễ Tết
Lễ Tết là dịp giúp gia đình sum họp. Tuy nhiên, những thực phẩm ngày lễ Tết có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chúng ta không biết kiểm soát.
Thực phẩm phổ biến nhất mà những người có cơ địa dị ứng có thể phải đối mặt bao gồm: Lúa mì, sữa, trứng, đậu nành, đậu phộng, các loại hạt, động vật có vỏ và cá. Theo các thống kê, đây là tám loại thực phẩm gây dị ứng hàng đầu.
Mức độ nghiêm trọng khác nhau
Bác sĩ Tùng Duy - Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - cho biết, ngày lễ Tết là một trong những thời điểm khó kiểm soát bữa ăn nhất năm. Đây cũng là thời điểm gây nhiều khó khăn cho những người bị dị ứng thực phẩm.
Dị ứng thực phẩm là phản ứng mà cơ thể phản ứng với một số loại thức ăn nhất định hoặc một nhóm thực phẩm. Khi ăn các thực phẩm gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh ra các chất hóa học để đáp ứng với những tác nhân ngoại lai. Điều này dẫn đến xuất hiện tình trạng chảy nước mũi, phát ban, hắt hơi, sưng, thở khò khè và ói mửa. Một số phản ứng dị ứng mạnh hơn có thể đe dọa tính mạng như khó thở, huyết áp thấp, thậm chí tử vong.
“Ngày Tết nói riêng hoặc những ngày nghỉ lễ nói chung là thời điểm khó khăn với những người bị dị ứng thực phẩm. Bởi, trong thời gian này, họ thường không để ý đến thực phẩm ăn hằng ngày, có thể do cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan từ bên ngoài”, bác sĩ Tùng Duy nhận định.
Đặc biệt, đối với trẻ em, việc kiểm soát những thực phẩm gây dị ứng thậm chí khó khăn hơn. Mặc dù dị ứng thực phẩm là vấn đề đáng quan ngại, tuy nhiên, người dân có thể áp dụng một số phương pháp để loại bỏ nỗi lo này vào ngày Tết.
Bác sĩ Tùng Duy cho biết, phổ biến nhất mà những người có cơ địa dị ứng có thể phải đối mặt bao gồm: Lúa mì, sữa, trứng, đậu nành, đậu phộng, các loại hạt, động vật có vỏ và cá. Theo các thống kê, đây là tám loại thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Những đồ ăn này chiếm 90% tất cả các phản ứng dị ứng với thực phẩm. Mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng có thể khác nhau giữa từng người.
Ngăn chặn tình trạng nhiễm chéo
Theo các bác sĩ, trong ngày Tết, chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động thực vật. Các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Do đó, khi chế biến nấu chín, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và gây dị ứng.
Ngoài ra, dị ứng cũng có thể xảy ra khi ăn những loại hạt để tiếp khách. Đây được coi là thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất. Theo các nghiên cứu, khoảng 0,5% dân số dị ứng với các hạt này. Bệnh hiếm khi tự khỏi. Những người bị dị ứng với một loại hạt cây thường cũng sẽ dị ứng với các loại hạt cây khác.
“Tùy thuộc vào chất gây dị ứng thực phẩm, cha mẹ có thể quyết định có nên giữ chất này trong nhà hay không. Cha mẹ có thể dán nhãn các khu vực an toàn (không có chất gây dị ứng) cả trong tủ đựng thức ăn và tủ lạnh.
Từ đó, giúp các thành viên trong gia đình biết đâu là thực phẩm gây hại. Ngoài ra, cũng cần phải cất trữ và bảo quản những thực phẩm không an toàn cách xa tầm với của trẻ”, bác sĩ Tùng Duy khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình nên học cách đọc nhãn thực phẩm và danh sách thành phần. Lý do là vì trong những đồ ăn đóng gói sẵn, nhà sản xuất có thể phối hợp nhiều loại nguyên liệu để tăng hương vị cho sản phẩm.
Vấn đề quan trọng khác cần chú ý là ngăn chặn việc nhiễm chéo các chất gây dị ứng thực phẩm qua dao, đũa, kéo… Những người bị dị ứng thực phẩm nên sử dụng đồ dùng riêng, không tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Ngoài ra, tất cả các thành viên trong gia đình nên rửa tay trước và sau khi ăn.
Cha mẹ có thể giáo dục con về dị ứng thực phẩm. Nhờ đó, trẻ có thể tự nhận thức được mình nên và không nên ăn những thực phẩm nào. Với những người bị dị ứng thực phẩm, ăn uống tại nhà là phương pháp an toàn nhất giúp bạn có thể kiểm soát được những thực phẩm ăn vào.
Tuy nhiên, nếu cần phải đi ăn ở nhà bạn bè, người có nguy cơ dị ứng có thể thông báo cho họ những thực phẩm nào mình không thể ăn. Hoặc, mọi người có thể xuống bếp và cùng chuẩn bị món ăn để biết rằng, những thực phẩm nào là an toàn với mình.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể chuẩn bị cả bữa ăn chính và những món ăn phụ tại nhà trước. Nhờ đó, hạn chế cho trẻ sử dụng những thực phẩm không an toàn.
Ngày lễ Tết là dịp giúp gia đình sum họp. Tuy nhiên, những thực phẩm ngày lễ Tết có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chúng ta không biết kiểm soát.
Với những người bị dị ứng thực phẩm, hãy xác định những thực phẩm gây dị ứng và hướng dẫn những người thân xung quanh để giúp bạn kiểm soát dị ứng dễ dàng hơn. Trong trường hợp cần phải ăn ở ngoài, hãy luôn mang theo đồ ăn nhẹ để phòng trường hợp bạn không có lựa chọn an toàn nào.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xua-tan-noi-lo-di-ung-thuc-pham-ngay-le-tet-post620671.html