'Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo'

Không những kiên cường, mưu trí trong cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc, trở về quê hương sau ngày hòa bình lập lại với vô vàn khó khăn thử thách trên trận tuyến mới, cựu chiến binh Phan Văn Linh, ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh đã phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ 'xưa thắng giặc, nay thắng nghèo', nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no ngay trên chính mảnh đất từng là trận địa ác liệt năm xưa.

 Cựu chiến binh Phan Văn Linh phát triển các loại cây rau màu tại gia đình. Ảnh: H.T

Cựu chiến binh Phan Văn Linh phát triển các loại cây rau màu tại gia đình. Ảnh: H.T

Những ngày tháng 4 lịch sử, dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng tắp, rợp bóng cờ đỏ sao vàng ở làng quê cách mạng Xuân Long, cựu chiến binh Phan Văn Linh không khỏi bồi hồi và xúc động khi hồi tưởng lại ký ức hào hùng của những năm tháng vào sinh ra tử để bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, làng quê Xuân Long trở thành vành đai trắng của hàng rào điện tử Mc.Namara. Với dã tâm quyết không để một dấu hiệu nào của sự sống tồn tại, địch đã tổ chức bình định, càn quét, đàn áp, thiêu hủy hầu như toàn bộ làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, dồn dân vào các trại tập trung. “Chứng kiến tội ác của Mỹ - ngụy trong những năm tháng ấy cùng sự hy sinh, mất mát quá lớn của đồng chí, đồng đội, đã khiến chúng tôi không còn biết sợ, cảm giác về cái chết cũng rất đỗi nhẹ nhàng, đồng thời, hun đúc trong mỗi người một động lực rằng phải sống và quyết tâm chiến đấu để giải phóng quê hương”, ông Linh tâm sự.

Với sự mưu trí, gan dạ, cùng lực lượng du kích địa phương, ông Phan Văn Linh đã lập được nhiều chiến công vẻ vang, trong đó nổi bật là thành tích tiêu diệt được máy bay Mỹ bằng mìn định hướng. Trước đó, với khả năng quan sát, phán đoán của mình, ông Linh đã mất rất nhiều thời gian và công sức, bất chấp hiểm nguy, ẩn nấp dưới bùn và những tán lá cây rừng để tìm hiểu, nghiên cứu được đường bay của chiếc máy bay L16 của địch, rồi ngụy trang để mang mìn định hướng leo lên gắn vào vị trí ngọn cây ở giữa làng, khi chiếc máy bay của địch đang hạ độ cao để quan sát đúng ngay tầm mà ông đã tính toán, ông Linh lập tức giật quả mìn, một tiếng nổ vang lên, chiếc trực thăng L16 loạng choạng bay thêm một đoạn rồi bốc cháy dữ dội. Với những thành tích đã đạt được, cựu chiến binh Phan Văn Linh đã vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đồng thời, vị trí cây nơi ông Linh đặt mìn định hướng ở thôn Xuân Long hiện đang được các cơ quan chức năng đến khảo sát để làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử.

Hòa bình lập lại, ông Linh cùng người dân thôn Xuân Long bắt tay vào san lấp hố bom, tháo gỡ hàng rào thép gai chằng chịt, ươm mầm xanh lên vùng đất từng bị cày xới, chi chít bom đạn năm xưa. Trong những ngày đầu tái thiết quê hương ấy, ông đã gặp không ít khó khăn, cả gia đình khi ấy chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng bạc màu. Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông trăn trở mỗi đêm. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông Linh đã lặn lội đến nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2009, ông Linh vay vốn ngân hàng cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình để đầu tư con giống, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng thêm một số loại hoa màu theo thời vụ. Theo ông Linh, để chủ động được các khâu trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi và qua các phương tiện thông tin đại chúng. “Những ngày đầu bắt tay vào làm kinh tế, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên đã có lúc tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng với quyết tâm phải chiến thắng đói nghèo, tôi đã tự mày mò học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau nhiều năm kiên trì, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của tôi đã cho thu nhập ổn định. Hiện gia đình tôi có gần 80 con lợn thịt, 100 con gà và vịt, nhiều loại rau màu có giá trị kinh tế. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua sắm thêm các loại máy móc để làm dịch vụ nông nghiệp cho người dân trong thôn và những thôn lân cận, bán các loại thức ăn gia súc, gia cầm. Với mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình tôi có tổng thu nhập gần 500 triệu đồng”, ông Linh cho biết.

Cần cù, chịu khó, nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng và vật nuôi của gia đình ông Linh luôn sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm của gia đình đã có thị trường tiêu thụ ổn định, được các thương lái thu mua ngay tại trang trại. Không chỉ phấn đấu làm giàu cho mình, ông Linh còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống và phổ biến cho người dân kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. Ông cũng thường xuyên vận động người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong thôn từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Linh còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh và người dân hiến công, hiến đất làm đường, xây dựng thiết chế văn hóa.

Dù đã bước sang tuổi 82 nhưng đôi tay của người cựu chiến binh này vẫn không lúc nào ngưng nghỉ. Với ông, còn sức khỏe thì còn tham gia lao động, cống hiến để giúp ích cho gia đình và xã hội. Không khuất phục trước kẻ thù trong chiến tranh, cũng như không cam chịu đói nghèo khi hòa bình lập lại, luôn nỗ lực sáng tạo, năng động để vươn lên trong cuộc sống, cựu chiến binh Phan Văn Linh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào cựu chiến binh gương mẫu, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tô đẹp thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147941